HĐND Kiên Giang thông qua nghị quyết về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

14/11/2024

Ngày 14/11, HĐND tỉnh Kiên Giang Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 28 (kỳ họp chuyên đề) xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng; trong đó, có nghị quyết về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.

Kiên Giang: Trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Theo đánh giá của UBND tỉnh Kiên Giang, tờ trình thông qua nghị quyết chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là rất cần thiết. Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng, cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai; công tác dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh phát biểu

Cụ thể, đối với chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số (khoảng 69.965 hộ, chiếm 14,9% dân số của tỉnh), quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai. Theo đó, UBND cấp huyện căn cứ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của địa phương phải ưu tiên đảm bảo quỹ đất đủ tiêu chuẩn, định mức theo quy định và phải xác định chỉ tiêu sử dụng đất sinh hoạt cộng đồng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang thông qua 13 nghị quyết

Đối với chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai, qua rà soát, có khoảng 3.957 hộ (2,4% hộ nghèo và 3,64% hộ cận nghèo) được thụ hưởng; tổng diện tích đất dự kiến hỗ trợ khoảng 12.107ha.

Theo đó, có 4 đối tượng được hưởng chính sách này, gồm: Cá nhân không có đất ở sẽ được UBND tỉnh xem xét giao đất và được miễn tiền sử dụng đất; cá nhân có nhu cầu sẽ được Nhà nước xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định và được miễn tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; cá nhân không có đất nông nghiệp được Nhà nước xem xét giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định và không thu tiền sử dụng đất; cá nhân nếu có nhu cầu sẽ được Nhà nước xem xét cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 300m2 đối với khu vực nông thôn (xã) và tối đa không quá 200m2 đối với khu vực đô thị (phường, thị trấn) và được giảm 50% tiền thuê đất.

Các đại biểu thống nhất thông qua Nghị quyết về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Cùng với nghị quyết nói trên, tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã xem xét, thông qua các nghị quyết quan trọng khác, về: điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện một số dự án; điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đầu tư công năm 2023 sang năm 2024; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 3 dự án; sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024; cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nêu rõ: 13 nghị quyết được thông qua liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời Luật Đất đai năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Để các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Huỳnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện, nhất là các nghị quyết có liên quan đến thực hiện Luật Đất năm 2024. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện.

(Theo báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác