Ba Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội

02/12/2006

Chiều nay (24/11), dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực.

Ảnh: Nhân dân

Chiều nay (24/11), dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực.

Nhiều nơi vẫn xảy ra tham nhũng, lãng phí đất đai

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Đỗ Tiến Dũng (đoàn Quảng Nam), Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) nêu câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí đất đai và cách khắc phục. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương do có chủ trương sai trái hoặc không sát thực tế trong việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương chịu trách nhiệm về việc chưa làm tốt công tác tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Quốc hội, Chính phủ chịu trách nhiệm về việc đã duy trì quá lâu cơ chế bao cấp về giá đất và cùng với đó là cơ chế xin - cho về đất đai.

Về cách khắc phục, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, ngoài việc thi hành Luật đất đai, hoàn thiện chính sách đất đai, tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử… cần thu hồi diện tích đất đã giao hoặc cho thuê nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng sai hiệu quả, mục đích.

Chưa có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm

Các đại biểu Trần Luân Kim (đoàn Phú Yên), Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh), chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng Mai Ái Trực thừa nhận trong thời gian qua mặc dù đã có  nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra phổ biến. Bộ trưởng nhấn mạnh, là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về việc chưa có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm.

Trả lời về việc bồi thường do ô nhiễm dẫn tới gây bệnh ung thư cho con người, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, các khu dân cư mà báo chí trong thời gian gần đây đã phát hiện đều là những khu vực bị ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể mức độ gây ô nhiễm dẫn tới căn bệnh ung thư để buộc cơ sở gây ô nhiễm phải bồi thường đang gặp phải những khó khăn, như: tại chính các ‘‘làng ung thư’‘ cũng có nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường theo nguyên tắc tổ chức hoặc cá nhân gây ô nhiễm dẫn tới thiệt hại thì ngoài việc bị xử lý hành chính, xử lý hình sự theo quy định, còn phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, quy định này lại rất khó xác định đối với bệnh ung thư.

Nhiều đại biểu quan tân đến vấn đề quy hoạch treo, dự án treo

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) về việc quy hoạch quản lý sử dụng đất đai treo tràn lan, 80% số đơn thư khiếu nại của nhân dân là ở lĩnh vực này. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, quy định về quy hoạch, định giá nói chung đã khá đầy đủ. Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ sẽ trình Quốc hội thêm quy định mới với hơn 60 Điều, Khoản.

Các đại biểu Nguyễn Kim Cúc (đoàn Long An), Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng Mai Ái Trực về thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, trong đó có vấn đề về cải cách thủ tục đăng ký thế chấp. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, thủ tục hành chính luôn có hai mặt: một mặt nhằm bảo đảm yêu cầu quản lý của Nhà nước theo những mục tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực; mặt khác ít hoặc nhiều đều có gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của người xin thực hiện thủ tục hành chính. Theo Bộ trưởng, trước mắt, nhằm giảm phiền hà cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (đoàn Bình Thuận) quan tâm đến vấn đề nhiều dự án treo gây thất thoát về đất đai, tài chính. Nhiều nơi, chạy theo phong trào đua nhau lập khu công nghiệp, nhưng khi thu hồi thì chậm triển khai khiến các khu đất lớn bị bỏ phí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đối với việc này.

Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường làm việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay về khu công nghiệp là do Bộ Kế hoạch đầu tư đề xuất và Chính phủ quyết định. Quy hoạch không gian đô thị nhỏ do địa phương làm và có thẩm định của Bộ Xây dựng và các ngành đều có quy hoạch của mình. Cái khó của Bộ Tài nguyên khi thẩm định đất rất khó vì Bộ không đủ thông tin để xác định được hiệu quả thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát và các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra

Cũng trong buổi chiều hôm nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu rõ các biện pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội nêu ra. Đó là các biện pháp phòng chống các dịch bệnh mùa màng đang bùng phát ở nhiều địa phương; về tổ chức bộ máy của lực lượng kiểm lâm; việc sắp xếp lại các nông trường quốc doanh; vấn đề thu thủy lợi phí công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; về chống sạt lở ven sông ven biển; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; giải pháp phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và những giải pháp của ngành nông nghiệp trong việc hỗ trợ nông thôn và nông dân trong điều kiện nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Minh Mão (đoàn Thái Bình) về vấn đề thu thủy lợi phí, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: ‘‘Khi xem xét vấn đề này, chúng tôi đề nghị xem xét đến công bằng xã hội. Bởi nước ta hiện nay có 9,4 triệu ha đất nông nghiệp, thì chỉ có 3,4 triệu ha có hệ thống thủy lợi. Những hệ thống thủy lợi tốt chủ yếu tập trung ở đồng bằng, trước hết là đồng bằng sông Hồng. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thủy lợi phí được sử dụng để chi cho 15 khoản, nhưng thực tế chỉ chi cho 4 khoản chính: lương (cho 22.300 cán bộ của 110 công ty thủy nông để vận hành hệ thống thủy lợi); tạo nguồn nước đối với những nơi có hồ đập hoặc trạm bơm đầu nguồn; trả tiền điện (chiếm 30-50% thủy lợi phí); sửa chữa nhỏ (Bộ tài chính hướng dẫn cho phép chi từ 20-30% nhưng thực tế không còn tiền, nên chỉ chi được từ 10-15% số tiền thủy lợi phí). Vì lượng tiền thu được chỉ có khoảng 780 tỷ, trong khi yêu cầu để vận hành bình thường theo tính toán của chúng tôi cần khoảng 1.500 tỷ. Chúng ta càng xây nhiều hệ thống thủy lợi thì chi phí này càng nhiều hơn. Thậm chí nhiều nơi, các Hợp tác xã phải thu hơn của nông dân để duy trì hệ thống ở mặt ruộng’‘.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu chúng ta miễn thủy lợi phí cho những nơi có hệ thống thủy lợi tốt, đã được đầu tư mấy chục năm nay, thì liệu ccó nguồn để bù vào. Thay vì những nơi này, bà con đóng góp để dùng tiền này tiếp tục làm thủy lợi cho những nơi bà con từ ngàn đời không có nước, thậm chí không có nước sinh hoạt.

Ngày mai, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ tiếp tục trả lời chất vấn tại Hội trường.

Trước đó, trong buổi sáng Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.  

Vào đầu giờ sáng mai (25/11), Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát./.

Hà Minh

(http://www.vov.org.vn)