Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội phải tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động

02/12/2006

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt biểu dương những đóng góp quan trọng của Uỷ ban Pháp luật vào thành tựu chung của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua. Là một trong những ủy ban xương sống, có vai trò, vị trí quan trọng trong hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn cả về xây dựng luật pháp và giám sát, đồng thời vẫn bảo đảm được chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Chủ tịch nêu rõ: Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, trong nhiệm kỳ tới Quốc hội phải tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động. Muốn Quốc hội mạnh thì từng ủy ban của Quốc hội phải mạnh. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các ủy ban của Quốc hội cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ.

Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới của Ủy ban Pháp luật nói riêng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung. Trước yêu cầu ngày càng tăng về công tác xây dựng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Chủ tịch đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về cải tiến quy trình làm luật, để đáp ứng nhu cầu về số lượng, đồng thời bảo đảm chất lượng, tính thực thi của các bộ luật được thông qua. Chủ tịch nhấn mạnh: công tác giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, cần tập trung giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này; đề nghị các đại biểu cân nhắc việc tiến hành giám sát đối với từng vụ việc cụ thể. Chủ tịch yêu cầu mỗi ủy ban trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, nên xem xét số lượng, tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách, có kế hoạch lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ, chuyên tâm với công việc. Chủ tịch nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu về việc tăng cường giám sát, chất vấn tại các ủy ban và việc giám sát, chất vấn phải theo đến cùng, có như vậy mới bảo đảm hiệu quả giám sát, qua đó đáp ứng nguyện vọng và sự mong đợi của cử tri.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, được đặc biệt coi trọng. Trong điều kiện đó, Ủy ban Pháp luật đã làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực: Công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. So với nhiệm kỳ Quốc hội Khóa X, số lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết mà Uỷ ban pháp luật đã chủ trì thẩm tra trong nhiệm kỳ này tăng lên rất nhiều. Trong đó có những dự án lớn với phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Thi hành án, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật phòng, chống tham nhũng... Các báo cáo thẩm tra của Uỷ ban luôn thể hiện đúng đắn các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và nội dung các báo cáo đều có chất lượng tốt, có cơ sở thực tiễn, căn cứ pháp luật và khoa học, tạo điều kiện để Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Việc chỉnh lý được tiến hành nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan để xây dựng dự thảo có chất lượng tốt nhất trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Hầu hết ý kiến của Uỷ ban đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, được các cơ quan hữu quan tiếp thu. Ủy ban luôn coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thông qua việc tham gia thẩm tra và chỉnh lý các dự án do các Uỷ ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra, chỉnh lý.

Uỷ ban Pháp luật cũng đã có nhiều cố gắng, triển khai công tác giám sát một cách toàn diện trên tất cả các mặt, tổ chức các đoàn giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết một số vụ án cụ thể; tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo Quốc hội xử lý một số vụ việc phức tạp; nghiên cứu, xử lý, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc lĩnh vực tư pháp; giám sát một số chuyên đề thuộc Ủy ban phụ trách... Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban pháp luật đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan tư pháp trung ương, góp phần làm rõ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình để hạn chế vi phạm pháp luật gây ra oan, sai; bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Nhiều kiến nghị của Uỷ ban đã được các cơ quan tư pháp tiếp thu, thực hiện, góp phần tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp dân chủ, công khai, minh bạch. Ngoài ra, hoạt động đối ngoại của Uỷ ban đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội một số nước trên thế giới, qua đó giúp các thành viên Uỷ ban có thêm những thông tin bổ ích và kinh nghiệm hoạt động của nước ngoài; có điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ.

Các đại biểu đã đi sâu phân tích các nguyên nhân tồn tại, hạn chế từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và nêu lên nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Pháp luật nói riêng, của Quốc hội nói chung trong nhiệm kỳ tới. Các đại biểu cho rằng cùng với việc tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên viên giúp việc cho Ủy ban, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban, nhất là hoạt động xây dựng pháp luật. Các đại biểu đặc biệt quan tâm sự cần thiết nâng cao hơn nữa chất lượng các bộ luật được thông qua, bảo đảm tính thực thi của các bộ luật trong cuộc sống. Nhiều đại biểu cho rằng công tác giám sát việc thực thi các bộ luật, pháp lệnh cần được tăng cường hơn, đồng thời phải nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các kết luận giám sát.

Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội trong đó có việc tách Ủy ban Pháp luật thành Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhiệm kỳ sắp tới./.

BTK

(http://www.cpv.org.vn)