Rà soát lại quy định về đấu giá nợ xấu để không xảy ra những lỗ hổng tiêu cực

24/10/2016

Sáng 24/10, trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản, các đại biểu quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong dự thảo Luật.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 81 Điều, trong đó rà soát, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật; rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội- nghề nghiệp của đấu giá viên; bổ sung vào dự án Luật một cách tối đa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng có tính ổn định trong thời gian qua.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đánh giá, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như dự thảo Luật trình tại kỳ họp này đã được chỉnh lý khá cặn kẽ trên cơ sở tham gia ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, các đại biểu cho rằng cần phải rà soát, chỉnh sửa chi tiết để bảo đảm không xảy ra những lỗ hổng tiêu cực.

Đại biểu biểu Quốc hội Trần Văn Minh- Quảng Ninh phát biểu tại hội trường                        Ảnh: Đình Nam

Đại biểu biểu Quốc hội Trần Văn Minh- Quảng Ninh nêu rõ, về việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề xuất hai phương án; trong đó phương án 1 được thể hiện ngay vào trong dự thảo Luật tại Mục 3, Chương IV, gồm hai điều, đó là Điều 64 và Điều 65. Quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được thực hiện theo một trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy ngay trong luật sẽ tạo được một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rõ và phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần giúp cho việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả hơn, sớm làm lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Tuy nhiên, do nội dung này mới được bổ sung nên còn một số vấn đề cần được rà soát, hoàn chỉnh để bảo đảm sự thống nhất của các điều khoản luật.

Đồng tình với quy định về xử lý nợ xấu trong dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm- Bắc Giang cho rằng, dự thảo Luật lần này quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu và đảm bảo tính minh bạch, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể là hợp lý. Thời gian vừa qua, việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra chậm, trong khi đó đây là nguồn lực rất quan trọng cần sớm phát huy để tạo hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng việc thực hiện gặp vướng mắc từ các văn bản luật pháp.

Cụ thể hiện nay việc xử lý nợ xấu và các tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang được tính thị trường. Do đó, việc thiết kế một số nội dung quy định mang tính nguyên tắc để điều chỉnh như trong dự thảo luật đã nêu ở Điều 64, 65, Điều 3 là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm- Bắc Giang phát biểu tại Hội trường  

Cùng quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà- Hà Giang đồng tình cao với dự thảo quy định tại Chương IV, Điều 64, Điều 65 và đặc biệt là giải thích của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo, phân tích một cách rất rõ ràng với phương án 1: Dự thảo của luật quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, các quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch và chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Để thực hiện được nội dung này, đại biểu mong muốn Ban soạn thảo cân nhắc so sánh lại với Điều 18 của dự thảo luật về hình thức hành nghề đấu giá viên, cần bổ sung thêm hình thức đó là hành nghề tại các tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu cho phù hợp với điều này.

Về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân- TP Cần Thơ đồng ý phương án 1 dự thảo luật về việc quy định một số nguyên tắc việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự thủ tục phù hợp với thực tiễn xử lý nợ xấu.

Đặng Mai- Minh Hằng