Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế thế giới

12/03/2008

Ông Marc Proksch, chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP): “Việt Nam là một ví dụ điển hình về tích cực hội nhập kinh tế và xoá đói giảm nghèo”.

(VOV)_ Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV bên lề Hội nghị các tổ chức Xã hội Dân sự Châu Á mới đây tại Hà Nội nhằm chuẩn bị cho Đại hội Tổng kết lần thứ 12 của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) sắp được tổ chức tại Accra, Ghana từ 20-25/4, ông Marc Proksch cho biết Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về thành tích xoá đói giảm nghèo, thậm chí hơn cả Ấn Độ. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có đóng góp to lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, và dễ dàng tiếp cận với thị trường nước ngoài.

 

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được mức sự tăng trưởng đầy ấn tượng trong nhiều lĩnh vực và Chính phủ Việt Nam phải làm sao biến những thành quả đó thành lợi ích chung cho mọi người dân. Và điều mấu chốt là phải làm thế nào để duy trì sự tăng trưởng bền vững và lâu dài trong tương lai.

 

Ông Marc Proksch cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn nhân lực và có nền giáo dục phát triển so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Vì thế, Việt Nam nên phát triển nền kinh tế trí thức, không chỉ dựa vào lao động mà phải đa dạng hoá ngành nghề và hiện đại hoá công nghệ. Chính phủ Việt Nam nên đầu tư hơn nữa cho giáo dục và và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và quan tâm tới tiếng nói của người dân.

 

Ông Marc Proksch cũng chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đương đầu đó là sự gia tăng dân số và vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên. Ông cho rằng các nước Châu Á phải tăng cường liên kết và hợp tác vì sự phát triển chung trong khu vực.

 

Theo Tiến sĩ Mohammad A. Razzaque, cố vấn kinh tế của Ban Thư ký khối Thịnh vượng chung, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cộng đồng quốc tế với nhau để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau. Các nước đang phát triển có thể học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam trong việc tự do hoá thương mại, phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo.

 

Tiến sĩ Mohammad A. Razzaque nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan hữu quan cần phải tập trung thảo luận các vấn đề mà các quốc gia đang phát triển ở Châu Á đang phải đối mặt như: phát triển kinh tế, mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại và xoá đòi giảm nghèo. Ông cho rằng các nước phải chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia cũng rất cần thiết trước khi mở cửa ra thị trường thế giới. Các quốc gia nên đánh giá tiến độ của quá trình tự do hóa của bản thân họ, chứ không nên dập khuôn tùy tiện.

 

Ông Phutthasone Phomvisay, Trưởng ban Thương mại, Đầu tư và Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào, cho biết Việt Nam đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới và có vai trò ngày càng quan trọng trong khối ASEAN.

 

Việt Nam và Lào là hai nước anh em, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: thuỷ điện, nông nghiệp, giao thông và giáo dục. Đặc biệt, Lào đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Việt Nam trong việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 25 (SEA Games 25) dự kiến sẽ diễn ra tại Lào vào năm 2009.

 

Những thành tựu đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực và sự hội nhập tích cực của Việt Nam sẽ có đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của khu vực, đặc biệt là trong khối ASEAN./.

Trần Ngọc

(http://www.vovnews.vn)