Phiên họp thứ 50 của UBTVQH

21/06/2007

* Nghị định không thể thoát ly luật và không thể trái luật * Chấp nhận Nghị định 50 và Nghị định 07 của Chính phủ ở mức độ nào?

Ngày 19.6, ngày làm việc thứ hai của Phiên họp thứ 50, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, UBTVQH đã xem xét Báo cáo giám sát Nghị định số 50/2005/NĐ-CP của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án (Nghị định 50) và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (Nghị định 07). 

Báo cáo giám sát Nghị định 07 và Nghị định 50 do Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Thị Bắc trình bày, cho thấy có nhiều quy định của Chính phủ tại hai Nghị định này trái với pháp luật hiện hành. Tại Nghị định 07, các quy định về bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh Trợ giúp viên pháp lý, trưng tập tham gia trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý được hưởng mức trợ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương và chế độ phụ cấp theo vụ việc,  cấp chứng chỉ trợ giúp viên pháp lý... là chưa đúng với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Đáng lưu ý là có những quy định đã tạo ra sự nhận thức sai như quy định về bổ nhiệm và miễn nhiệm trợ giúp viên pháp lý, quy định trợ giúp viên pháp lý được làm trung gian phân tích, hướng dẫn, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc giữa các bên trái với bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý là không giải quyết vụ việc... Còn tại Nghị định 50, theo giám sát của UB Pháp luật thì quy định chấp hành viên được cấp công cụ hỗ trợ để sử dụng khi thi hành công vụ cũng không có căn cứ pháp lý. Đó là chưa kể những công cụ được quy định tại Nghị định này như: Súng bắn hơi cay, gây mê, bình xịt hơi cay, súng bắn đạn nhựa, súng bắn đạn cao su... là những phương tiện, công cụ có tính năng đặc biệt, khi sử dụng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người và thường chỉ được sử dụng trong các trường hợp có sự chống đối mang tính chất bạo động, tập trung đông người...

Trình bày ý kiến của Chính phủ về những nội dung mà hai Báo cáo giám sát của UB Pháp luật nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu khẳng định những quy định tại hai Nghị định trên là đúng thẩm quyền của Chính phủ, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo giải trình của Bộ trưởng Uông Chu Lưu thì Chính phủ chỉ tiếp thu ý kiến của UB Pháp luật về quy định trưng tập các trợ giúp viên pháp lý mà thôi.

Cơ bản đồng tình với kết quả giám sát của UB Pháp luật, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu đánh giá: Hai báo cáo giám sát của UB Pháp luật đều thể hiện sự thẩm định kỹ lưỡng và nhiều ý kiến rất xác đáng. Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên thừa nhận: Luật còn nhiều quy định chung, QH giao cho Chính phủ hướng dẫn nên khi cụ thể hóa bằng các văn bản dưới Luật Chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhiều khi cũng bị bí nên khó bảo đảm được tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên những quy định trong Nghị định mà không có cơ sở pháp lý thì Chính phủ phải xin ý kiến của UBTVQH. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đề nghị những quy định nào tại hai Nghị định này mà trái pháp luật thì phải sửa. Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình cho rằng cần phải nhìn nhận các quy định của hai Nghị định này dưới cả hai góc độ pháp luật và thực tiễn. Nếu có những vấn đề mà Luật chưa quy định nhưng thực tiễn đòi hỏi thì cần phải xem xét, cân nhắc để thể hiện trong Nghị định cho hợp lý.

Trước những ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, Bộ trưởng Uông Chu Lưu phàn nàn rằng: Với tốc độ làm Luật như thời gian vừa qua, sức ép của Chính phủ trong việc ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn là rất lớn. Chính phủ không có nhiều thời gian để xem xét từng vấn đề cụ thể mà chỉ xem xét ở tầm chủ trương, chính sách nên việc thể hiện thành các quy định cụ thể trong Nghị định có sai sót cũng là chuyện bình thường. Phản đối ý kiến này, Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh thẳng thắn: Nghị định do Chính phủ ban hành là để cụ thể hóa các quy định của Luật chứ không thể có chuyện Nghị định thoát ly Luật, trái với Luật. Điều này còn thể hiện rõ tính cục bộ của các bộ, ngành trong việc giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng có lợi cho bộ mình, ngành mình.

Theo Luật Hoạt động giám sát của QH thì cơ quan chịu sự giám sát phải bàn bạc cụ thể những vấn đề mà cơ quan giám sát đã phát hiện ra và thống nhất tiếp thu được những ý kiến nào, những vấn đề nào cần phải giải trình và giải trình như thế nào. Nhưng đối với giám sát này, sự phối hợp giữa cơ quan của QH và Chính phủ chưa chặt chẽ. Giải đáp băn khoăn của nhiều Ủy viên UBTVQH: Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã bàn bạc với nhau, đã thống nhất quan điểm giải trình trước QH về hai Nghị định này hay chưa, PCT Nguyễn Văn Yểu cho rằng: Chính phủ, các bộ, ngành mới chỉ bàn qua giấy tờ thôi chứ chưa trực tiếp thảo luận xem kết quả giám sát có đúng không? Đúng ở điểm nào, sai ở điểm nào và tiếp thu được đến đâu?

Đồng ý với ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận: Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần phải làm việc một cách nghiêm túc theo đúng tinh thần của điều 30 Luật Hoạt động giám sát của QH. Sau khi Chính phủ giải trình cụ thể những quy định sai mà UB Pháp luật đã nêu ra thì UBTVQH mới quyết định có nên ban hành Nghị quyết hủy bỏ hay vẫn chấp nhận và chấp nhận ở mức độ nào đối với hai Nghị định này.

Tiếp đó, UBTVQH đã xem xét, quyết định thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Ủy viên Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

 

 

Phạm Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)