Phiên họp thứ 48 của UBTVQH

24/04/2007

* Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo để ngày bầu cử ĐBQH thực sự là ngày hội của toàn dân * Thông qua Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Ngày 20.4, bế mạc Phiên họp thứ 48 của UBTVQH, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã nghe: Báo cáo của Hội đồng bầu cử về tình hình chuẩn bị cuộc bầu cử ĐBQH Khoá XII; Kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH nước ta.

Báo cáo của Hội đồng bầu cử do Tổng thư ký Hội đồng bầu cử, Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh trình bày, cho thấy: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khoá XII đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng pháp luật và đúng tiến độ trên toàn quốc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức chặt chẽ các hội nghị hiệp thương, các địa phương đều đã giới thiệu được những người đủ năng lực, trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt, được cử tri tín nhiệm ra ứng cử ĐBQH.

Qua giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương, các Uỷ viên UBTVQH và Hội đồng Bầu cử cũng phản ánh dư luận tích cực trong quần chúng nhân dân về cuộc bầu cử, đặc biệt là việc chuẩn bị nhân sự. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho rằng càng đến gần ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử và UBTVQH càng phải tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung về cơ sở, tránh những sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng, tính chất dân chủ của cuộc bầu cử. Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Đinh Hữu Cường đề nghị: Hội đồng bầu cử cần chỉ đạo chặt chẽ các địa phương tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề như giải phóng đất đai, đền bù, quan tâm chăm lo giải quyết khó khăn về đời sống cho đồng bào các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các vùng bị thiên tai bão lụt… Theo Phó trưởng ban Đinh Hữu Cường, mặc dù đây là những vấn đề không liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử nhưng nếu không thực hiện ráo riết hơn, tích cực hơn sẽ dễ phát sinh những vấn đề phức tạp hoặc ít nhất tâm lý người dân cũng không được thoải mái gây ảnh hưởng đến không khí của ngày hội lớn. Cũng về vấn đề khiếu nại tố cáo, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình đề xuất: Hội đồng Bầu cử nên có những buổi họp đột xuất để kịp thời bàn bạc, xử lý những vấn đề khiếu nại tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử; Các đoàn giám sát, kiểm tra của UBTVQH và Hội đồng Bầu cử cần nhắc nhở các địa phương quan tâm giải quyết khiếu nại trên địa bàn mình, không nên để dồn về Hội đồng bầu cử như hiện nay vừa lòng vòng, mất thời gian vừa không xử lý kịp thời.

Một trong những vướng mắc của địa phương trong công tác chuẩn bị bầu cử là kinh phí. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên, kinh phí cho cuộc bầu cử ĐBQH khoá XII đã tăng lên 350 tỷ so với 230 tỷ kỳ bầu cử khoá XI. Nhưng nhiều Uỷ viên UBTVQH cho biết khi đi kiểm tra ở tỉnh nào cũng thấy kêu thiếu kinh phí và đề nghị nên cân nhắc bổ sung thêm kinh phí cho các tỉnh nghèo, giao thông đi lại khó khăn. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Hội đồng Bầu cử đã làm việc cụ thể với Bộ Tài chính nhưng các địa phương nên chủ động sử dụng ngân sách dự phòng cho công tác bầu cử trước, Hội đồng bầu cử sẽ bổ sung sau.

Về việc điều chỉnh nơi ứng cử của một số ứng cử viên, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Bùi Ngọc Thanh cho biết: Việc phân bổ ứng cử viên do trung ương giới thiệu về địa phương đã được thực hiện theo đúng 5 nguyên tắc mà Hội đồng Bầu cử đã thống nhất. Tất nhiên không thể đáp ứng được 100% nguyện vọng của 165 người. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương đều đã lên danh sách, tiểu sử ứng cử viên để chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri, nếu có bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ gây khó khăn cho cả Hội đồng Bầu cử và các địa phương.

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến 8 vấn đề trọng tâm của công tác bầu cử ĐBQH trong thời gian tới là: Quan tâm ngay đến việc niêm yết danh sách cử tri để không bỏ sót ai; Công bố danh sách ứng cử viên ở trung ương và sắp xếp về các tổ bầu cử; Tập huấn cho các ban bầu cử, đặc biệt là tổ bầu cử, bảo đảm những người trực tiếp làm công tác bầu cử, các đối tượng trưng tập phải hết sức thạo việc, tránh sai sót; Chỉ đạo chặt chẽ các cấp chính quyền làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; Tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại địa phương và bảo đảm tổ chức vận động bầu cử dân chủ đúng luật; Cảnh giác các âm mưu, hành động chống đối thù địch nhằm phá hoại cuộc bầu cử; Bổ sung kinh phí cho các tỉnh khó khăn… Tuy nhiên, Chủ tịch cũng lưu ý các địa phương hết sức chăm lo đời sống cho nhân dân, không vì tập trung cho bầu cử mà xao nhãng những nhiệm vụ khác.

Từ ngày 8-15.4, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn ĐBQH nước ta đã thăm chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Báo cáo kết quả chuyến thăm này, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Vũ Mão khẳng định: Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp. Trong thời gian ở thăm và làm việc tại Trung Quốc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Uỷ viên trưởng Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, Chủ tịch QH Trung Quốc Ngô Bang Quốc; Hội kiến với Tổng bí thư - Chủ tịch Nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Giả Khánh Lâm. Qua các cuộc hội đàm này, Việt Nam và Trung Quốc đều thể hiện quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ truyền thống giữa hai nước theo phương châm 16 chữ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và tinh thần 4 tốt láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt. Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ngô Bang Quốc cũng đã trao đổi các giải pháp nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa QH hai nước, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu học tập giữa hai nước đặc biệt là lý luận về dân chủ và đổi mới hệ thống chính trị…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kết quả lớn nhất của chuyến thăm lần này là đã đạt được sự tin cậy chính trị giữa Đảng, QH và nhân dân hai nước, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hữu nghị láng giềng, hợp tác một cách toàn diện, sâu sắc giữa hai đất nước. 

Trong phiên làm việc buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về việc phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2006 và tình hình sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước năm 2006 và biểu quyết thông qua Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn sau khi Ban soạn thảo đã chỉnh lý theo hướng tiếp thu ý kiến của các uỷ viên UBTVQH tại phiên họp này.

 

 

P.Thuý

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)