TỔNG RÀ SOÁT VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐỂ KỊP THỜI CỤ THỂ HÓA NHỮNG NỘI DUNG CỦA HIẾN PHÁP

11/09/2019

Cho ý kiến về báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 tại phiên họp thứ 37 vào sáng 11/9, UBTVQH khẳng định hoạt động xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chiến lược để cụ thể hóa Hiến pháp, thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn điểm chưa làm tốt, chưa làm đầy đủ trong hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do đó cần phải có tổng rà soát văn bản pháp luật để khắc phục chồng chéo, mâu thuẫn...

Còn quy định của Hiến pháp chưa được thể chế, cụ thể hóa để thực hiện

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đặt ra yêu cầu cho hơn 90 luật, pháp lệnh phải sửa đổi, nhưng đến nay vẫn còn đến 21 luật chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai cụ thể hoá Hiến pháp 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Với thời hạn đến hết năm 2020 thì liệu 21 luật này có thể cụ thể hoá được không? Nếu không cụ thể hóa được thì tác động của nó như thế nào đến những vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quyền con người, quyền công dân? Trong khi đó có 34 luật không nằm trong yêu cầu phải cụ thể hoá thì triển khai hết sức tích cực. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích kỹ vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Đánh giá tình hình thể chế, cụ thể hóa các quy định Hiến pháp 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh, khi Hiến pháp 2013 được ban hành, đặt ra mục tiêu phải hoàn thiện các luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Theo đó, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các luật tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, v.v… cơ bản đã sửa và hoàn thành vào cuối khóa XIII. Tuy nhiên, đến nay một số luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ lại tiếp tục đưa ra sửa sau một thời gian rất ngắn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc sửa đổi trong thời gian ngắn phản ánh khách quan, theo định hướng nhưng cũng cho thấy hạn chế của dự báo hoạch định chính sách để thi hành Hiến pháp.

Trong khi đó, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì một số nội dung của Hiến pháp chưa được thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội chỉ rõ, Điều 207 Hiến pháp 2013 có quy định “đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với tín nhiệm của Nhân dân”. Nếu như quyền bầu cử thực hiện tốt thì quyền miễn nhiệm đại biểu của người dân chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa thực hiện được việc này. Hay như thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm thẩm quyền của đại biểu có thể hỏi bất cứ vấn đề gì và tất cả thành viên Chính phủ phải trả lời những vấn đề đó, để làm sao ngày càng hoàn thiện Luật Giám sát để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp khi trả lời chất vấn. Hay quy định về nhiệm vụ của Chính phủ trong việc hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân trong hoạt động, Hiến pháp đã quy định nhưng thể chế hoá điều này chưa rõ và thực tế cũng chưa triển khai.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nhiều nội dung của Hiến pháp chưa được quy định, hướng dẫn thực hiện cụ thể

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu một số vấn đề chưa có quy định như về hướng dẫn cụ thể về bầu cử bổ sung khi số đại biểu Quốc hội thiếu, thiếu bao nhiêu thì cho phép bầu cử lại, có cho phép bổ sung không; hay quy định về quyền hội họp, quyền biểu tình đến nay chưa có luật để thực hiện được theo tinh thần Hiến pháp về quyền của công dân.

Có cùng phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết thêm, Hiến pháp 2013 còn một khoản nữa mà chúng ta tới đây chưa triển khai được. Đó là khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013, quy định “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc và tôn giáo của Nhà nước”. Hiện nay lĩnh vực tôn giáo đã có luật về tôn giáo và rất có nhiều chính sách về tôn giáo nhưng lĩnh vực dân tộc, Quốc hội chưa ban hành một chính sách nào về dân tộc. Vừa rồi qua rà soát có 118 chính sách dân tộc đang có hiệu lực đều chính sách của Chính phủ, còn trong luật có liên quan lĩnh vực dân tộc, chỉ nêu chung chung 1, 2 điều ở phần chính sách nhà nước là Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu tiên, khuyến khích, đảm bảo v.v… tức là mang tính chất khẩu hiệu, chính trị mà còn chưa có một chính sách cụ thể nào. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị xem xét thời gian tới Quốc hội quyết định chính sách dân tộc như thế nào...

Quan tâm đến điều kiện bảo đảm thực hiện luật trên thực tế

Bên cạnh việc phản ánh một số nội dung của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa thì các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ nhiều vấn đề đã có quy định cụ thể nhưng thực tế không được tổ chức, triển khai đầy đủ theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong mảng hoạt động tư pháp, hệ thống luật đã khá đầy đủ nhưng lại có điểm khó trong tổ chức thi hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng về quyền ghi âm, ghi hình, trách nhiệm ghi âm, ghi hình, hoạt động hỏi cung bị can, từ khi ban hành cho đến nay thì đại diện Bộ Công an có báo cáo là không có tiền để xây dựng các phòng ghi âm, mua máy ghi âm, ghi hình có âm thanh. Nội dung này đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình để tránh bức cung, nhục hình, vừa có tác dụng chứng minh cho tất cả mọi người biết cơ quan điều tra không dùng nhục hình nhưng đến nay lại báo cáo không có tiền để thực hiện dẫn đến một quy định rất lớn của Hiến pháp không thi hành được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quan tâm đánh giá việc bảo đảm các điều kiện thi hành Hiến pháp

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị báo cáo sơ kết của Chính phủ cần thể hiện rà soát, đánh giá các văn bản hướng dẫn có thể không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng liên quan tới quyền, lợi ích của người dân, liên quan đến quyền công dân, quyền con người thì như thế nào, chúng ta có giám sát gì không, quản lý như thế nào? Khi xảy ra sai phạm nó hạn chế quyền công dân, hạn chế quyền con người thì xử lý như thế nào? Rồi những quy định như “Mọi người được sống trong môi trường trong lành” được quy định vào Hiến pháp thì không đảm bảo được hay chưa có điều kiện để đảm bảo thì sao? Cần phải nói rõ hơn và cũng có tổng kết một cách rõ ràng hơn trong báo cáo này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ nhiệm vụ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành mới các văn bản và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước theo tinh thần, nội dung của Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược nhưng công việc rất lớn, phức tạp và đòi hỏi thời gian khẩn trương. Thời gian qua vẫn còn một số hạn chế thiếu sót khi thực hiện nhiệm vụ này như tầm nhìn, những vấn đề mới đặt ra trong hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước; việc quy định một số chính sách cụ thể còn đang bất cập, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần của Hiến pháp. Do đó, bên cạnh việc rà soát văn bản thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần phải có một đợt tổng rà soát để nhìn lại văn bản pháp luật, khắc phục cái chồng chéo, mâu thuẫn, tính thiếu khả thi, những điểm còn bỏ trống, những lĩnh vực chưa được văn bản quy định; cũng như quan tâm đến điều kiện để bảo đảm thi hành Hiến pháp./.

Bảo Yến

Các bài viết khác