CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC ĐỖ VĂN CHIẾN TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 36 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

15/08/2019

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/8, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị làm rõ tình hình thực hiện các chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miến núi, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời đề nghị chú trọng bố trí vốn thực hiện chính sách.

Chú trọng thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người

Đại biểu Giàng Thị Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đặt câu hỏi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện như thế nào việc ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Giàng Thị Bình đặt câu hỏi chất vấn 

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ kết quả thực hiện đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ, quan điểm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới và liệu cho biết có đảm bảo bố trí đủ 1.861 tỷ theo dự án để các địa phương thực hiện không?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được kết quả khá tốt và hàng năm tỷ lệ giảm nghèo từ 4-5%, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng thẳng thắn, so với chính mình đã có những bước tiến bộ rất đáng kể song so với yêu cầu thì còn rất nhiều việc phải làm, giảm nghèo chưa vững chắc. Hiện nay còn 24.500 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định. Đây là vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo kết luận tại Kết luận số 14 ngày 8/1/2019 dành 2.500 tỷ đồng và đưa ra các giải pháp rất cụ thể gồm giải quyết hộ khẩu; sắp xếp ổn định và hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để thể giảm nghèo được đặc biệt với số hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho hay, trước tình hình dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6%, nhưng hộ nghèo hiện nay chiếm 55,27%, có 9 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo trên 90% và có 11 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì đến một thời điểm nào đó hộ nghèo sẽ còn là hộ dân tộc thiểu số. Hiện nay cả nước có 1 triệu hộ nghèo thì hộ dân tộc thiểu số là 720.000.

Về nguyên nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm rõ, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do thiếu tư liệu sản xuất và thiếu sinh kế để đảm bảo cuộc sống và chính sách thì phân tán, nhiều đầu mối quản lý và chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách.

Đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 2086, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến  đánh giá là đạt kết quả bước đầu nhưng chưa đạt mục tiêu và chỉ tiêu đề ra trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này tập trung hỗ trợ cho 194 thôn, 97 xã, 37 huyện ở 12 tỉnh thuộc 16 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, Chính phủ đã bố trí được 426 tỷ vốn sự nghiệp cấp cho Bộ Tài chính, vốn sự nghiệp đã đủ. Còn vốn đầu tư, Quốc hội đã quyết định từ vốn đầu tư công trung hạn. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ 7 và Quốc hội đã thông qua bố trí 1.000 tỷ để thực hiện Quyết định 2085 và Quyết định 2086. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thu xếp và trong thời gian sớm nhất sẽ thông báo vốn này. Như vậy trong thời gian tới năm 2019 và 2020 sẽ phân bổ và ưu tiên cho Quyết định 2086 đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn

Về quan điểm chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Chính phủ coi thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người là một điểm nhấn mà cần phải hết sức lưu ý trong chỉ đạo giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn Chính phủ đã thông qua ngày 01/8/ 2019 tại Kết luận số 59 của Chính phủ đã nêu rõ là sẽ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia và sẽ thiết kế một hợp phần riêng cho nhóm dân tộc thiểu số rất ít người.

Vấn đề có đảm bảo được 1.861 tỷ để phục vụ cho đề, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết thêm sẽ cố gắng cao nhất bố trí cho năm 2019 - 2020. Giai đoạn sau sẽ tích hợp vào đề án tổng thể chương trình mục tiêu quốc gia và sẽ cố gắng cao nhất có được nguồn lực nào thì ưu tiên thực hiện Quyết định 2086.

Cần quan tâm bố trí ngân sách thực hiện chính sách cho đồng bào

Liên quan đến cân đối nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phản ánh tại kết luận phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang có hiệu lực, đặc biệt chú trọng đến chính sách đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ, việc cân đối nguồn vốn thực hiện chính sách chưa thực hiện đúng theo kết luận này, trừ Chương trình 135 hiện nay được cân đối khoảng 73,1%. Tất cả những chính sách còn lại dao động được bố trí từ 40-60 %. Chính sách đặc thù 2085, 2086 theo báo cáo của Bộ trưởng thì có hiệu lực từ năm 2016 nhưng đến năm 2019 mới bố trí được nguồn lực. Hiện nay nguồn này chưa đến địa phương. Chính từ việc cân đối bố trí và cấp thiếu vốn, không đồng bộ như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách dân tộc.  

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đặt câu hỏi, tại sao việc thực hiện không bám sát theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên nhân của vấn đề và trách nhiệm của các vị Bộ trưởng cũng như giải pháp để khắc phục trong thời gian tới là gì?

Trả lời đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 2198 về ưu tiên bố trí đủ nguồn lực vốn cho thực hiện các chính sách dân tộc, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Ủy ban Dân tộc rà soát và đã có rất nhiều cố gắng trong bố trí vốn.

Riêng đối với các chính sách mà do Ủy ban Dân tộc quản lý, năm 2019 đã bố trí 5.508,554 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ chính. Một là cho chương trình 135 là 3.940 tỷ đồng, vốn AiLen được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 80 tỷ đồng đã thông báo. Vốn thực hiện cấp báo chí và tạp chí, radio 160 tỷ; vốn thực hiện quyết định số 2086 và số 2085 là 328 tỷ.

Những nội dung mà các chính sách thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu, trong năm 2019 Ủy ban Dân tộc được bố trí vốn tăng hơn, tuy nhiên chưa đủ vì một số vốn thuộc vốn đầu tư công đã được Quốc hội quyết định do vậy chưa thể điều chỉnh được. Những nhiệm vụ chính thì triển khai của Ủy ban Dân tộc cơ bản là vốn được cấp tăng hơn so với những năm trước và tập trung hơn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry tranh luận tại phiên họp

Phát biểu tranh luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, những bất cập trong phân bổ nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc không phải là vấn đề mới mà đã được phát hiện từ lâu rồi và đã có trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề nghị ưu tiên cân đối nguồn lực từ nguồn dự phòng. Đây cũng là vấn đề đã được chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, nếu thực tế chúng ta quan tâm đến việc thực hiện chính sách cho đồng bào thì không thể nào một chính sách đặc thù để giải quyết về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào nghèo cũng như giải quyết những chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người mà bắt đồng bào phải chờ đợi 4 năm. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự quan tâm đến việc thực hiện trong thời gian tới, trong phân bổ nguồn lực khi mà đến thời điểm hiện nay nguồn lực này vẫn chưa đến địa phương để giải quyết thực hiện chính sách này cho đồng bào.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ trong giải quyết phân bố dự phòng sắp tới phải lưu ý kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình thực hiện có gì khó khăn thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến

Các bài viết khác