Toàn cảnh phiên họp
Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP. Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngay sau kỳ họp, Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 11/7/2019, Thường trực UBPL đã có Báo cáo số 2430/BC-UBPL14 về các vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP.
Theo Báo cáo về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP, về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa, UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với ý kiến của các ĐBQH cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương chủ động quyết định, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể; xác định những cơ quan chuyên môn nhất thiết phải tổ chức, những cơ quan chuyên môn có thể tổ chức linh hoạt tùy theo đặc điểm, tình hình của địa phương và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, không phải địa phương nào cũng có. Như vậy, trên toàn quốc sẽ tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” trong việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, không còn tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương, không phải trung ương có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo
Về việc quy định cụ thể về các đơn vị bên trong, trực thuộc các vụ, đơn vị và cơ quan chuyên môn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, phạm vi điều chỉnh của Luật TCCP là quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; còn những vấn đề cụ thể khác về tổ chức bộ máy bên trong là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Sửa đổi khoản 3 Điều 23 của Luật hiện hành để bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.; Sửa đổi khoản 4 Điều 23 của Luật hiện hành để bổ sung nội dung Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu trong các cơ quan hành chính nhà nước; Sửa đổi khoản 2 Điều 40 của Luật hiện hành để giao quyền chủ động cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc bố trí số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ bảo đảm yêu cầu công việc. Theo đó, Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi đơn vị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc.
Về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý lại điểm e khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 12 và khoản 1 và khoản 2 Điều 14 theo hướng: Gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp và việc bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương. Bên cạnh đó, để tránh phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm trách nhiệm và hiệu lực quản lý nhà nước, dự thảo Luật xác định nguyên tắc đối với các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho CQĐP các cấp phải quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn mà CQĐP ở từng cấp không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác. Đồng thời, quy định cụ thể hơn khái niệm, chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.
Liên quan đến việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất phương án tiếp thu ý kiến của ĐBQH như sau:
Thứ nhất, tiếp thu ý kiến của đa số ý kiến ĐBQH trong việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại đơn vị hành chính; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 01 người.
Thứ hai, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đề xuất 02 phương án: Phương án 1 quy định Lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (phương án này là sự kết hợp Phương án 2 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình và tiếp thu ý kiến ĐBQH). Phương án 2 là giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người (như Phương án 1 trong dự thảo Luật do Chính phủ trình).
UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất lựa chọn Phương án 1 như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận
Về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, đề xuất 02 phương án. Cụ thể, Phương án 1 quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Phương án 2 quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 02 Phó Trưởng ban, trong đó có 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất lựa chọn Phương án 1.
Đối với nội dung về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, UBPL thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của UBTVQH. Nếu không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của CQĐP thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 03 Văn phòng. Và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này. Vì vậy, Thường trực UBPL đề nghị cần sửa đổi ngay các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý, dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 03 Văn phòng sau thí điểm. Với những lý do nêu trên, UBPL đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh tại 03 điều trong Luật Tổ chức CQĐP theo hướng: Không quy định Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 39; sửa đổi, bổ sung Điều 127 về bộ máy giúp việc của CQĐP theo hướng khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ mà không xác định cụ thể tên gọi của cơ quan này (cụ thể xin xem tại dự thảo Luật kèm theo).
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và các nội dung trong Báo cáo về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP cũng như bày tỏ đồng tình về các phương án mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thống nhất đưa ra trong báo cáo.
Tuy nhiên, về vấn đề việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, một số đại biểu đề nghị cân nhắc đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh nên quy định giữ như hiện hành. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, mà giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh sẽ không đảm bảo được mục tiêu hoạt động hiệu lực hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử thì cần phải hướng tới ngày càng tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Do vậy, việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chưa có cơ sở. Bên cạnh đó, qua khảo sát, HĐND các tỉnh cũng không đồng thuận với quy định này. Chủ tịch Quốc hội cho rẳng, nếu giảm ở cấp huyện thì có thể, còn đối với cấp tỉnh thì phải nên cân nhắc.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các cơ quan chuyên môn tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp để làm cơ sở chỉnh lý dự thảo Luật này./.