Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt Tờ trình dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, mục đích, quan điểm xây dựng luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013. Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương, khắc phục các hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt.
Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, đối với Luật Tổ chức Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.
Toàn cảnh Phiên họp
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, ủy quyền đối với chính quyền địa phương; sửa đổi, bổ sung một số quy định về cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp như quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định về hoạt động của chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung còn có ý kiến khác về phương án giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, do đó Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Đồng thời tán thành với phạm vi sửa đổi tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.
Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động
Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình rõ thêm 04 vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương đã được xác định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 để đưa vào Luật sửa đổi lần này hoặc cần cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật, các chương trình, đề án khác. Đó là các vấn đề:
Một là điều chỉnh hợp lý chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Hai là xác định mô hình tổ chức thích hợp đối với cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tính chất đặc thù và yêu cầu hoạt động của cơ quan này, không áp dụng mô hình tổ chức như của các Bộ.
Ba là cụ thể hóa vấn đề phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bốn là sửa đổi các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương để tránh bình quân, đồng nhất giữa các loại đơn vị hành chính, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và hải đảo.
Đánh giá tác động kỹ lưỡng những nội dung sửa đổi
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền; đề xuất sửa đổi quy định giảm số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người và tăng số Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II từ 01 người lên 02 người; cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân; quy định về hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc kỹ quy định về giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lý giải, quyền lực nhà nước phải có sự giám sát, cân bằng, kiểm soát lẫn nhau. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nhưng nay nếu sửa đổi theo hướng giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, trong bối cảnh tăng số đại biểu, trưởng các ban của hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm thì vừa không giảm được biên chế lại không bảo đảm được nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, về tổ chức bộ máy phải có được sự ổn định, tạo cơ sở nền tảng để phát triển, điều chỉnh thay đổi phải bảo đảm dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn và các nguyên tắc.
Về các nội dung sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, nghị quyết của Đảng xác định nhiệm vụ “Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Tuy nhiên khi thể chế hóa, cụ thể nội dung này để sửa đổi Luật, Ban soạn thảo đề suất sửa đổi chưa hợp lý, không bảo đảm được tinh thần của Hiến pháp 2013 trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải có đánh giá tác động lại vấn đề này một cách chính xác, đầy đủ, rõ ràng, cơ sở thực hiện. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các nội dung sửa đổi về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần bám sát tinh thần Hiến pháp 2013.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh nếu không thận trọng thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Do đó cần phải có thêm đánh giá cả về lý luận và thực tiễn, có thể thí điểm thực hiện và lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết việc sửa đổi luật nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, kế hoạch 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đối với một số chính sách mới cần có đánh giá tác động một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ hơn như việc quy định giảm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, giảm Phó Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân, tăng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Một số vấn đề mới đặt ra trên tinh thần Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu lực hiệu quả hoạt động trên tinh thần đổi mới hệ thống chính trị. Tiếp tục quán triệt định hướng, tư tưởng trong Nghị quyết của Đảng vào trong luật như về phân cấp, phân quyền, phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương gắn với phân quyền rõ cho địa phương và làm rõ chế độ trách nhiệm của địa phương, thực hiện đúng quy định của Hiến pháp bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ điều kiện để hoạt động theo nội dung được phân cấp, phân quyền./.