Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 6 chương, 40 điều, quy định cụ thể về: Quy định chung; Giấy tờ xuất nhập cảnh; Cấp, chưa cấp, hủy, thu hồi, khôi phục giá trị sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh; Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và Điều khoản thi hành.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua. Trong đó, có ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, nội dung dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế. Nội dung dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, do nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều quy định trong các luật khác, các Công ước về quyền con người, các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về nhận trở lại công dân với các nước, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Về tên gọi của Luật, nhiều ý kiến tán thành với tên gọi “Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”, vì tên gọi này đã được Quốc hội thống nhất tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Có ý kiến đề nghị đổi tên thành “Luật Cấp giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” hoặc “Luật Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” để thống nhất với nội dung mà dự thảo Luật đã đề cập.
Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với tên gọi của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì cho rằng: Tuy nội dung dự thảo Luật tập trung điều chỉnh về trình tự, thủ tục quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, nhưng với tên gọi “Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” sẽ bảo đảm tính bao quát, phù hợp với nội dung Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội và thống nhất cách thể hiện tên của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao hồ sơ dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh khá đầy đủ và chi tiết, cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí với tên gọi “Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”
Cho ý kiến về dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Hiến pháp đã nói rõ về quyền tự do đi lại, cư trú của người Việt Nam khi ra nước ngoài nhưng việc quản lý việc xuất, nhập cảnh lại phải do Luật quy định. Đồng thời căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước ta về công tác đối ngoại trong tình hình hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, số lượng người đi du lịch, làm ăn tại nước ngoài tăng lên, nên rất cần có một Luật để quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh.
Nhất trí với tên gọi “Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng việc cấp giấy phép, xét duyệt hay thẩm định là những hành vi trong quá trình quản lý, những việc làm cụ thể. Tên gọi như thế này là đủ tính bao quát, phù hợp với các luật khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung số liệu, hoàn thiện thêm báo cáo đánh giá tình hình xuất nhập cảnh trong thời gian gần đây, bổ sung những ý kiến của các Bộ để hoàn thiện thêm hồ sơ dự án Luật. Cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, và cho rằng, hồ sơ chuẩn bị đầy đủ, công phu, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ.
Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Điều ước quốc tế, các thoả thuận song phương và nhiều Luật khác của hệ thống pháp luật của nước ta, đề nghị tiếp tục quan tâm làm rõ, rà soát kỹ để đảm bảo có tính thống nhất với các các luật liên quan đến quản lý cư trú, quốc tịch, căn cước công dân.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật tập trung quy định về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các vấn đề liên quan đến hoạt động này, tuy nhiên dự án Luật có đặc thù là các quy định đa phần được kế thừa nâng lên từ các nghị định và các văn bản dưới Luật khác, do đó, đề nghị rà soát kỹ các quy định hiện có, xác định nội dung cần thiết quy định trong luật để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt nghiên cứu bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng quản lý đối với công tác này.
Về quy trình, thủ tục, nội dung của Luật này để phục vụ công tác quản lý, do đó cần đặc biệt quan tâm đến quy trình thủ tục gắn với cải cách hành chính, minh bạch, đơn giản các thủ tục.
Về nguyên tắc việc cấp hộ chiếu, quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót nhưng thủ tục phải đơn giản, không gây phiền hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân./.