ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC

17/04/2019

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 17/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, dự thảo Luật tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Một là, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết; Hai là, sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng; Ba là, sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Tại phiên họp này, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức trong dự thảo Luật; thực hiện chế độ hợp đồng làm việc đối với viên chức, dự thảo Luật quy định theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn; đồng thời bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu tại khoản 16 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật Cán bộ công chức về áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác.

Về các vấn đề Chính phủ xin ý kiến, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng là công chức theo hướng: không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; đối với lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện (áp dụng) chế độ công chức.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, qua thảo luận về vấn đề này, trong Ủy ban Pháp luật hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành phương án tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Quy định như vậy bảo đảm thể chế, bám sát yêu cầu của nghị quyết Trung ương, tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Một số ý kiến tán thành phương án quy định: viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật thể chế hóa được yêu cầu trong các nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị, hệ thống cán bộ công chức, viên chức; đồng thời góp phần cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và giải quyết những bất cập vướng mắc của pháp luật hiện hành.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung thêm một số nội dung mới như về liên thông, cơ chế chính sách tài năng nhân tài, cơ chế phân công phân cấp phân quyền, chế độ trách nhiệm cơ chế kiểm tra thanh tra giám sát trong phân cấp phân quyền, cân nhắc nội dung vấn đề nào quy định trong luật, nội dung nào giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện; tiếp tục nghiên cứu về việc có quy định tuổi của cán bộ, công chức, viên chức trong luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có thêm đánh giá tác tác động một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn các chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật như chính sách đối với người tài; sắp xếp lại công chức, viên chức trong tổng thể hệ thống bộ máy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức, trừ đối tượng là lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.

Về chế độ hợp đồng với viên chức tuyển dụng mới, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Một số ý kiến đề nghị sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc thêm để tránh tạo ra sự phân biệt giữa các đối tượng viên chức được tuyển dụng trước khi luật này có hiệu lực với người được tuyển dụng sau khi luật có hiệu lực.

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, do đó đề nghị cân nhắc thêm các vấn đề về thời hạn, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự thủ tục, mối quan hệ giữa xử lý kỷ luật đối tượng này với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý kỷ luật với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với việc cần phải có chính sách để phát hiện và thu hút đối với người có tài năng, thông qua tuyển dụng, đãi ngộ để phục vụ cho đất nước; đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm người có tài trong luật, quy định nguyên tắc tạo cơ sở cho Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nội dung ngạch công chức, phân loại cán bộ, công chức, thi tuyển xét tuyển, phân cấp trong tuyển dụng gắn với trách nhiệm của đơn vị được phân cấp, sát hạch đầu vào; hình thức kỷ luật cán bộ công chức, viên chức; phân công công việc và bổ nhiệm trở lại đối với đối tượng sau thời gian kỷ luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách mới, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh