Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 01 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9).
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Đồng thời ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vị trí của Quốc hội với nhân dân và cử tri... thời gian qua.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 gồm 3 nội dung chuyên đề được đề xuất để Quốc hội lựa chọn là: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chuyên đề thứ nhất và thứ hai để đưa ra xin ý kiến Quốc hội
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị lĩnh vực trẻ em không nên mở rộng, vì đã giám sát về bảo vệ quyền trẻ em theo cam kết quốc tế. Trong điều kiện các ngành các cấp đang gấp rút chuẩn bị Đại hội Đảng, khối lượng các công việc khác rất lớn, phạm vi giám sát nên giới hạn lại trong hoạt động tư pháp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Phóng đề nghị giao cho Uỷ ban Tư pháp chủ trì vấn đề này, có sự phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng
Đa số thành viên Thường vụ Quốc hội đề xuất chọn chuyên đề một và hai. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chuyên đề một chỉ nên tập trung giám sát "tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em" vì nếu để tên như đề xuất ban đầu thì quá rộng
Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội nên giám sát ở góc độ tư pháp, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Đồng thời ghi nhận, thời gian qua hoạt động giám sát của Quốc hội được tích cực triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vị trí của Quốc hội với nhân dân và cử tri
Trên cơ sở các đề xuất cụ thể tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện tờ trình, các nội dung giám sát, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 và các văn bản liên quan để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới.