UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM, LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

10/04/2019

Chiều ngày 10/4, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để thực thi Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 08 luât, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.

Việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội; bảo đảm sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm

Đối với nội dung về Luật Sở hữu trí tuệ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ xoay quanh với các quy định về sáng chế; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; biện pháp dân sự; kiểm soát biên giới.

Bày tỏ quan điểm thẩm tra về án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng để thực hiện các cam kết quốc tế phải thực hiện vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định CPTPP được quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan. Do vậy, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp với lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ Dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chuẩn bị đầy đủ dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành các điều, khoản được giao trong Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung bảng so sánh các quy định hiện hành và phương án sửa đổi bổ sung tại Dự thảo Luật để thuận tiện cho việc xem xét.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng trình bày Báo cáo thẩm tra

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng các chính sách trong dự án Luật là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự án Luật từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua, Cơ quan soạn thảo có hình thức phù hợp để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật.  

Ủy ban Pháp luật thống nhất với việc các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ trong Dự án Luật chỉ giới hạn trong phạm vi nhằm thực hiện các cam kết đã có hiệu lực của Hiệp định CPTPP đã được quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14. Các chính sách, quy định trong dự án Luật phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ để các chính sách và quy định của dự án Luật đáp ứng việc thực hiện tất cả các cam kết phải thực hiện vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định đã được quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14. Có chính sách và quy định đã được xác định phải sửa đổi trong Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 nhưng chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật phần liên quan đến sở hữu trí tuệ như: quy định về “cạn quyền” đối với quyền tác giả và quyền liên quan, bao gồm cả cho phép “nhập khẩu song song”.

Bên cạnh đó, theo Tờ trình, đối với các cam kết khác trong Hiệp định về sở hữu trí tuệ có thời hạn phải sửa đổi, bổ sung lâu hơn (3-5 năm) thì dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra cho biết, theo Phụ lục 3 của Nghị quyết 72/2018/QH14 thì việc cam kết bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực sau 02 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Do đó, nếu trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021 sẽ không bảo đảm việc thi hành cam kết. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm thực hiện kịp thời các cam kết trong Hiệp định CPTPP khi Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu bày tỏ đồng tình về việc bổ sung các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh (khoản 3 Điều 4 của Dự thảo Luật). Theo đó, các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Chính phủ quy định. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ban soạn thảo cần rà soát xem những dịch vụ này đã đầy đủ hay chưa? Trong thực tế còn sót dịch vụ phát sinh nào nữa không? Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải quy định nội dung về điều kiện đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm để tránh các trường hợp lừa đảo.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có ý kiến đại biểu cho rằng, từ ngữ được sử dụng trong dự thảo luật còn rất trúc trắc, có nhiều chỗ đọc không xuôi, rất khó hiểu; đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, rà soát lại việc sử dụng từ ngữ trong dự thảo luật làm sao cho thật minh bạch, dễ hiểu hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Ban soạn thảo, những vấn đề gì có thể quy định cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, công khai chặt chẽ ngay tại luật thì mới đưa vào luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ và tiếp thu tối đa ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện dự thảo luật chuẩn bị trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban thẩm tra rà soát lại tất cả các quy định sửa đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đảm bảo phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế mà chúng ta đã ký kết.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nội dung dự án Luật của Chính phủ, bởi đây là dự án Luật chuyên ngành, có nội dung phức tạp, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, hữu quan hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cho rằng dự án Luật này liên quan đến nhiều chủ thể, đối tượng được áp dụng, do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ nên có các hình thức phù hợp để lấy ý kiến của các đối tượng, chủ thể có liên quan để đảm bảo tính cả thi của dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng luật, Ban soạn thảo lưu ý chỉ giới hạn trong việc nội luật hóa các nội dung liên quan đến các nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định CPTPP, còn những nội dung khác thì tới đây Quốc hội sẽ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, đưa vào sửa đổi sau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để kịp thời thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, thời gian chỉnh sửa luật là rất gấp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho trình dự án Luật vào đầu kỳ họp thứ 7, thông qua vào cuối kỳ họp để các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh