KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV KHẲNG ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG TRONG CÔNG TÁC NHÂN SỰ, LẬP PHÁP, XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH

11/12/2018

Dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, kỳ họp này đã khẳng định sự thành công trong công tác nhân sự, lập pháp, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo tại phiên họp

Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, đối với công tác nhân sự, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ. Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ; việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự trình Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm thận trọng; các tài liệu liên quan được chuẩn bị kỹ lưỡng, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết.

Về công tác lập pháp, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn chung, với tinh thần làm việc tích cực, sôi nổi, các vị đại biểu Quốc hội đã cân nhắc, phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng về các dự án luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua. 09 Luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, cho thấy sự chỉ đạo rất sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự cố gắng của các cơ quan trong việc chuẩn bị nội dung và bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định. Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành. Việc phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Nội dung của các luật, nghị quyết đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai thực hiện Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu đầy đủ, có tính thuyết phục cao, làm căn cứ để luật, nghị quyết được triển khai thực hiện trong cuộc sống. 06 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, hoạt động kiến trúc, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân… Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp, nhất là việc kịp thời báo cáo Quốc hội lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), làm cơ sở cho việc nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Trong việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bên cạnh việc đánh giá kết quả của năm 2018 và quyết nghị các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, tại kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn và 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, để từ đó thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, các báo cáo được chuẩn bị công phu, có nội dung sâu sắc, toàn diện, có phụ lục chi tiết kèm theo, phản ánh đúng tình hình thực tế, phân tích rõ mặt được, mặt chưa được; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin, có cơ sở khoa học và thực tiễn, giúp đại biểu có điều kiện chuẩn bị tốt các ý kiến góp ý và có cơ sở để quyết định các vấn đề quan trọng. Các đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến sâu sắc, phân tích, tranh luận thẳng thắn, sôi nổi ở nhiều góc độ khác nhau, thể hiện trách nhiệm cao. Bên cạnh việc đánh giá cao công tác điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ ý kiến lo lắng trước nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra cùng những hạn chế cần khắc phục. Từ đó, đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Trên cơ sở thảo luận, Quốc hội đã thông qua 04 nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020./.

 

Hồ Hương

Các bài viết khác