ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TIẾN HÀNH TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 6 VÀ CHO Ý KIẾN BƯỚC ĐẦU VỀ VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 7 CỦA QUỐC HỘI

11/12/2018

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 29, sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung làm việc.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6

Trình bày Dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là: Việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế. Chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của đại biểu Quốc hội. Một số báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động của Bộ trưởng, Trưởng ngành; phần nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất trong một số báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước chưa sát tình hình thực tiễn. Một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn; có đại biểu nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác; có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân. Vẫn còn hiện tượng đại biểu vắng mặt khá nhiều trong một số phiên họp, nhất là các phiên họp vào chiều thứ sáu. Công tác bảo đảm phục vụ có lúc, có nơi chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu Quốc hội.

Về một số nội dung cần quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra rằng, cần xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó cần thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết; tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; thực hiện tốt công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau. Tiếp tục tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và một số dự án luật khác trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019), trong đó cân nhắc mời thêm các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đồng thời, quan tâm tiếp tục đổi mới, cải tiến công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, tăng tính tranh luận, phản biện. Tăng cường thông tin về kỳ họp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ kỳ họp. Các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

Về Dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Công tác xây dựng pháp luật: 10,5 ngày; Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: 9,75 ngày. Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 20,25 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-5-2019, bế mạc vào ngày 17-6-2019. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, đề cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ, gửi tài liệu đúng thời gian theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao với dự thảo Báo cao tổng kết kỳ họp thứ 6 và dự kiến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kỳ họp thứ 6 cũng là dịp để Quốc hội đánh giá những kết quả đã đạt được, thảo luận, ban hành những quyết sách quan trọng để thúc đẩy hơn nữa cho quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới. Quốc hội đã lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cũng như kịp thời nắm bắt xu thế chung của thế giới, biến động tình hình trong nước, đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Đánh giá cao những thành công của kỳ họp thứ 6, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tăng sự tranh luận sâu sắc giữa các đại biểu Quốc hội, làm rõ nhiều vấn đề. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, sắc sảo, uyển chuyển, tạo sự gắn kết giữa các vị đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc đưa ra giải pháp, được cử tri đánh giá cao.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được của kỳ họp thứ 6, đánh giá kỳ họp vừa qua là một kỳ họp với nhiều nội dung, khối lượng công việc lớn từ các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, an ninh quốc phòng, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần khoanh lại những nhóm vấn đề chất vấn để có thể đào sâu được các nội dung, đảm bảo sự tập trung, giải quyết được bản chất của từng nhóm vấn đề về kinh tế- xã hội.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này; phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện các báo cáo./.

 

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác