HỢP NHẤT CÁC VĂN PHÒNG TÍNH ĐẾN HIỆU QUẢ KINH TẾ, THU GỌN BỘ MÁY VỪA BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

20/09/2018

Cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vào chiều 18/9, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc thực hiện thí điểm hợp nhất các văn phòng, trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm sẽ có tổng kết, đánh giá làm cơ sở để sửa luật và lựa chọn mô hình phù hợp.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình Đề án thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND

Trình bày Tờ trình Đề án, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hành Phúc cho biết, Đề án xác định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.

Đề án đề xuất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình hoạt động, đề án đề xuất địa phương được chủ động lựa chọn 1 trong 2 phương án. Phương án 1, thành lập không quá 11 phòng và đơn vị theo đối tượng phục vụ, trong đó có 10 phòng có quy định cụ thể và 01 phòng đặc thù do cấp có thẩm quyền thành lập xem xét, quyết định theo yêu cầu đặc thù của địa phương. Phương án 2, thành lập 7 phòng và đơn vị theo nội dung, tính chất công việc.

Đề án đề xuất Văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Chánh Văn phòng điều hành toàn bộ công việc của Văn phòng và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo lĩnh vực được giao.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật đề nghị, về lâu dài cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để phù hợp với đặc thù của cơ quan này là vừa tham mưu tổng hợp cho Uỷ ban nhân dân (là cơ quan chịu sự giám sát), vừa tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân (là cơ quan giám sát); Uỷ ban nhân dân có cơ quan chuyên môn còn Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội không có cơ quan chuyên môn.

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không cần thiết phải quy định quá cụ thể về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung mà chỉ nên quy định số lượng tối đa của các đơn vị trực thuộc và giao cho các địa phương chủ động quyết định căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương với yêu cầu là phải thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả tất cả các nhiệm vụ mà 3 Văn phòng đang đảm nhiệm hiện nay.

Thảo luận về vấn đề này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, nói về kiểm soát quyền lực mà bố trí bộ phận giúp việc vừa làm công tác tham mưu cho cơ quan giám sát vừa tham mưu cho cơ quan bị giám sát thì rất khó làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình đề nghị phải có tổ chức tổng kết đánh giá thực hiện thí điểm làm cơ sở để sửa  các luật liên quan

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng bày tỏ quan điểm với cơ chế hợp nhất các văn phòng có thể đảm bảo kiểm soát quyền lực hay không trong bối cảnh hoàn thiện hệ thống chính trị, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực lẫn nhau và hoạt đông dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng cộng sản Việt Nam?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, một mặt nhìn nhận về tổ chức làm sao cho tốt nhất và vận hành tốt nhất, một mặt phải làm sao hoàn thiện bộ máy chính trị và đảm bảo kiểm soát quyền lực. Liên quan đến hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành Văn phòng chung, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vấn đề cần được đánh giá làm rõ là chức năng và vị thế của Văn phòng chung; cơ chế làm việc và người đứng đầu Văn phòng chung để vừa thể hiện trách nhiệm thực hiện chủ trương của Đảng vừa bảo đảm phát huy được vai trò của các cơ quan, bảo đảm kiểm soát quyền lực.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng đề nghị, phải có tổng kết thực hiện thí điểm rồi mới sửa luật. Bởi nếu không tổng kết thí điểm trước thì sửa luật dựa trên cơ sở nào? Sửa luật trên cơ sở tổng kết thực hiện thí điểm, phải có đánh giá tác động, đánh giá kết quả hiệu quả.

Có cùng băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, trước mắt có thể thấy hiệu quả kinh tế và tiết kiệm ngân sách, có thể giảm biên chế nhưng hiệu quả hoạt động khi hợp nhất là vấn đề còn phân vân. Ở đây có thể giảm được xe, giảm chi phí hành chính, văn thư, đánh máy nhưng hoạt động, chức năng, điều hành chưa giải được bài toán triệt để.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải phân tích các phương án tổ chức của Văn phòng chung. Nếu theo mô hình thứ nhất, tức là nhập lại các bộ phận, thành lập phòng theo đối tượng phục vụ tính là hiệu quả nhưng trong thực tiễn quản lý lại rất rối và không biết cơ cấu tổ chức có thực sự gọn hơn không. Phương án thứ hai là tổ chức các phòng ban theo kiểu các phòng chuyên môn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng phương án này sẽ không hiệu quả, sẽ lẫn lộn chức năng giám sát. Một phòng vừa tham mưu ra chủ trương xong về lại tham mưu giám sát, vậy nghị quyết thể hiện như thế nào, sẽ rất lúng túng trong hoạt động... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh nên hết sức thận trọng, thực hiện thí điểm rồi tổng kết dần.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ băn khoăn về các phương án quy định cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung có bảo đảm hiệu quả hoạt động

Làm rõ thêm vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong tất cả các nội dung của đề án thì khó nhất và băn khoăn nhất là việc giám sát và thực hiện giám sát. Nếu nhập vào thì việc giám sát giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân sẽ khó khăn hơn, sẽ không được như hiện nay.

Về cơ cấu tổ chức, đề án đề xuất 2 phương án. Phương án 1 giúp cho việc thực hiện độc lập tương đối giữa vai trò thực hiện giám sát và giám sát. Phương án 2 thì hòa đồng với nhau. Nếu theo phương án 2 rút được 420 phòng nhưng về mặt công việc thì phương án 2 không rõ ràng, khó độc lập cho việc giám sát. Vì vậy đề án chọn phương án 1 và qua lấy ý kiến tại các hội nghị ở cả ba miền thì đại đa số ý kiến đều thống nhất với phương án này. Tuy nhiên, để rộng đường cho thực hiện thí điểm, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Nghị quyết cứ để cả 2 phương án cho các tỉnh chủ động lựa chọn áp dụng và sẽ có tổng kết đánh giá đối với cả 2 phương án.

Ngoài ra, về phương thức và mối quan hệ công tác, đề án cũng thiết kế những quy định về mối quan hệ sau và sau này đi vào thực hiện phải có quy chế rõ ràng ngay từ khâu bổ nhiệm.

Bảo Yến

Các bài viết khác