SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC LUẬT THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI: GIỮA CƠ QUAN LẬP VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CẦN PHẢI CÓ TÍNH ĐỘC LẬP

20/09/2018

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cho ý kiến cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, theo Tờ trình của Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, có ý kiến tán thành với ý kiến của Bộ Giao thông vận tải đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình thực thi và giảm bớt gánh nặng cho Thủ tướng Chính phủ phải phê duyệt quá nhiều loại quy hoạch. Ý kiến khác cho rằng, việc quy định Bộ Giao thông vận tải vừa là cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, vừa thẩm định, vừa phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sẽ không bảo đảm được tính độc lập, khách quan, minh bạch trong quản lý quy hoạch. Vì vậy, các quy hoạch này cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho ý kiến vào Dự án Luật

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy giữa cơ quan lập và phê duyệt quy hoạch cần phải có tính độc lập để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện. Do đó, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tương tự như thẩm quyền phê duyệt đối với quy hoạch của các loại hình giao thông khác hiện hành.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nội dung của Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường cao tốc, đường quốc lộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ trong quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6a dự thảo Luật so với nội dung về Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ trong nội dung quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, đặc biệt là khi Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đã chỉ ra được Danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch và các dự án này cũng sẽ được thể hiện tại nội dung Quy hoạch vùng quy định tại khoản 1 Điều 26 và Quy hoạch tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Quy hoạch. Ngoài ra, đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 51 theo hướng “Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải xây dựng theo Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định phạm vi, mức độ chi tiết và nội dung cơ bản của Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được quy định tại khoản 6 Điều 2 dự thảo Luật và nội dung Phương án phát triển cảng biển trong quy hoạch vùng (khoản 2 Điều 26 Luật Quy hoạch) nhằm làm rõ mối quan hệ với các Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh để tránh trùng lặp giữa các quy hoạch, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền lập và thẩm định Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tại khoản 6 Điều 2 dự thảo Luật để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong phân cấp quản lý quy hoạch.

Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9/2018

Tại nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đường sắt, về quy hoạch cơ sở công nghiệp đường sắt, có ý kiến đề nghị cần có quy hoạch cơ sở công nghiệp đường sắt là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Ý kiến khác cho rằng nội dung phát triển cơ sở công nghiệp đường sắt gắn với mạng lưới đường sắt đã có trong quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia. Do vậy, nếu lập riêng quy hoạch này sẽ dẫn đến sự trùng lặp về nội dung quy hoạch và không bảo đảm sự phát triển đồng bộ của ngành đường sắt.

Cho ý kiến về nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định quy hoạch cơ sở công nghiệp đường sắt không được quy định trong Luật Đường sắt hiện hành. Do vậy, nếu quy định lập quy hoạch cơ sở công nghiệp đường sắt là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thì sẽ là chính sách mới, trái với các nguyên tắc sửa đổi, bổ sung nêu trên. Mặt khác, theo khoản 2 Điều 7 Luật Đường sắt, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt bao gồm các nội dung về kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ sở quốc gia công nghiệp đường sắt. Như vậy, việc bổ sung quy hoạch cơ sở công nghiệp đường sắt là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là không cần thiết.

Về quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt, nội dung quy hoạch mạng lưới đường sắt đã bao gồm các tuyến đường sắt, ga đường sắt, do vậy, để tránh sự trùng lặp về nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ mối quan hệ giữa Quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt với Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh.

 

Hồ Hương