ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ CHUYÊN TRÁCH CHỊU TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRONG TỔ CHỨC THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

14/09/2018

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự chiều 13/9, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề xuất mô hình cơ quan thi hành án hình sự chuyên trách chịu trách nhiệm chính trong công tác thi hành án đối với pháp nhân thương mại (PNTM).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Về Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra rằng, theo dự thảo Luật, nhiệm vụ Thi hành án hình sự(THAHS) đối với pháp nhân thương mại(PNTM) được giao cho 2 hệ thống cơ quan: Cơ quan THAHS (Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, Cơ quan THAHS cấp quân khu) và Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Khoản 18e, Điều 3 dự thảo Luật quy định “Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp phép, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực tiếp liên quan đến việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại được Tòa án có thẩm quyền giao thực hiện một số nhiệm vụ thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại”. Theo Điều 140b, cơ quan này có nhiệm vụ, quyền hạn: tiếp nhận tài liệu, tổ chức thi hành án đối với PNTM và đặc biệt là thực hiện cưỡng chế đối với PNTM.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga nêu rõ, Thường trực Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với PNTM là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan THAHS đối với PNTM cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, theo đó phải phân định rõ vai trò của cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp; tham khảo cách quy định thi hành hình phạt đối với cá nhân (như thi hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định) và thi hành các biện pháp xử lý hành chính có tính chất tương đồng (như đình chỉ hoạt động có thời hạn...); tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ các vấn đề sau đây: 

Thứ nhất, về bản chất, THAHS đối với PNTM là hoạt động tư pháp, do đó, phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của hoạt động tư pháp về thẩm quyền áp dụng, trình tự, thủ tục và các biện pháp cưỡng chế thi hành án; chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thủ tục tư pháp; chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu gây ra thiệt hại... Như vậy, về nguyên tắc, thẩm quyền tổ chức thi hành án và cưỡng chế THAHS đối với PNTM cũng phải được quy định tương tự như đối với cá nhân là phải do cơ quan chuyên trách về thi hành án hình sự đảm nhiệm. Việc dự thảo Luật giao nhiệm vụ, quyền hạn THAHS và áp dụng biện pháp cưỡng chế THAHS đối với PNTM cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, tức là đã giao thẩm quyền về tư pháp cho các cơ quan này đảm nhiệm là không phù hợp và không khả thi. Mặt khác, dự thảo Luật không xác định rõ Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS đối với PNTM là những cơ quan nào, mà giao cho Tòa án xem xét khi ra quyết định thi hành án. Quy định này vừa không bảo đảm tính minh bạch của Luật, vừa gây khó khăn cho Tòa án và sẽ dẫn tới nhiều bất cập trong công tác quản lý THAHS đối với PNTM (như tổng hợp, thống kê, giải quyết khiếu nại, tố cáo...)

Toàn cảnh phiên họp

Thứ hai, THAHS nói chung, nhất là cưỡng chế THAHS, là vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của PNTM. Việc dự thảo Luật quy định nhiều cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Cơ quan được giao thực hiện một số nhiệm vụ THAHS) đều có thẩm quyền chủ trì tổ chức thi hành án, chủ trì tổ chức cưỡng chế sẽ dẫn đến sự không chuyên nghiệp, không thống nhất, thậm chí sẽ có thể tùy tiện trong quá trình thi hành án. Vì vậy, cần giao cho một cơ quan chuyên trách thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phối hợp (quy định này tương tự như quy định về tổ chức thi hành án và cưỡng chế thi hành án đối với cá nhân). Mặt khác, việc giao trách nhiệm tổ chức THAHS đối với PNTM cho các cơ quan không chuyên trách sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong trường hợp đối tượng thi hành án là PNTM nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thứ ba, tuy trong Luật THAHS hiện hành đã có quy định về Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS nhưng chỉ giới hạn với 03 cơ quan là: trại tạm giam, đơn vị quân đội hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã với vai trò trực tiếp quản lý người chấp hành án. Đối với việc thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp khác thì có trách nhiệm của hai cơ quan: Cơ quan chuyên tráchCơ quan, tổ chức tham gia phối hợp. Cụ thể: đối với việc thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì theo quy định tại Điều 109, cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc có trách nhiệm thi hành; đối với việc tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh thì theo quy định tại Điều 118, Bệnh viện tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị áp dụng biện pháp này. Theo quy định tại Điều 5 Luật THAHS, các cơ quan này không được coi là Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS mà được xác định là cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong THAHS.

Thứ tư, mặc dù THAHS đối với PNTM chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nhưng thực tế, việc thi hành các biện pháp xử lý hành chính có tính chất tương đồng đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định (như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với tổ chức...). Theo đó, mô hình tổ chức thi hành quyết định xử phạt hành chính gồm: cơ quan/người có thẩm quyền xử phạt chịu trách nhiệm chính và cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan cấp giấy phép) có trách nhiệm phối hợp.

Từ những lý do trên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp theo hướng, cơ quan THAHS chuyên trách phải chịu trách nhiệm chính trong tổ chức THAHS đối với PNTM và áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Hồ Hương