TIẾP TỤC PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG, NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CHUẨN BỊ CÁC NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI

14/07/2018

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 13/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Chất lượng chuẩn bị một số nội dung trình Quốc hội còn hạn chế

Trình bày Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 5 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, cụ thể: Chất lượng chuẩn bị một số nội dung trình Quốc hội còn hạn chế, chưa nghiên cứu kỹ về mặt lý luận và thực tiễn. Vẫn còn tình trạng đề nghị rút hoặc bổ sung gấp các dự án, dự thảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tính kỷ cương, kỷ luật lập pháp. Một số chất vấn chưa rõ ý, chưa chuyên sâu; Bộ trưởng, Trưởng ngành có lúc trả lời chưa đi vào trọng tâm vấn đề, chậm trả lời một số chất vấn bằng văn bản. Tại các phiên thảo luận vẫn còn một số ít đại biểu đọc văn bản thuần túy, nặng về tham luận, chưa thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu Nhân dân trước những vấn đề quan trọng của đất nước hoặc tranh luận chưa đúng yêu cầu. Một số nội dung chưa được tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ hoặc chưa được giải trình, tiếp thu thật sự thuyết phục; chưa khắc phục được tình trạng gửi văn bản gấp xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc thông tin, tuyên truyền về một số nội dung kỳ họp còn chưa theo sát tình hình, tư tưởng của cử tri, Nhân dân và chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu đầy đủ, cân nhắc thận trọng vì lợi ích chung để kịp thời định hướng, ngăn chặn hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội; Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công tác bảo đảm khác có lúc chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ Quốc hội…, trong đó hệ thống kỹ thuật, âm thanh tại hội trường vẫn xảy ra sự cố.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Dự thảo báo cáo

Đề cao trách nhiệm trong xem xét, quyết định các dự án, đề án trình Quốc hội

Trên cơ sở nhận thức được những tồn tại trên, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là nghị quyết của các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; đồng thời phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị, xem xét và quyết định các dự án, đề án trình Quốc hội.

Dự thảo Báo cáo cũng nhấn mạnh, khắc phục những yếu kém trên, cần tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; tăng cường giám sát việc thực hiện các nội dung này; khẩn trương rà soát, kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết cần thiết, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao trách nhiệm để thực hiện tốt công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, khắc phục việc chậm tiến độ tài liệu; tổ chức tốt Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật để nâng cao hơn nữa chất lượng các văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; duy trì tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến, thảo luận sâu về các nội dung quan trọng, nhất là các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau trước khi trình Quốc hội.

Bân cạnh đó, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cần quan tâm, tiếp tục đổi mới, cải tiến công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, tăng cường tính tranh luận, phản biện không chỉ giữa đại biểu với đại biểu mà còn giữa đại biểu với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Nghiên cứu ban hành văn bản quy định về quy trình, cách thức tranh luận tại kỳ họp để bảo đảm hiệu quả cao hơn. Tiếp tục thực hiện việc ban hành Nghị quyết chung kỳ họp. Nghiên cứu rút ngắn hơn nữa thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo tại hội trường. Chú trọng việc sớm gửi các dự thảo nghị quyết đến đại biểu Quốc hội để có thể không trình bày trước khi biểu quyết, thông qua. Đồng thời chú trọng chỉ đạo, phối hợp, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ động đánh giá tình hình và nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân cả nước, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau để  định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong việc Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cũng như kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Tăng thời lượng thông tin về kỳ họp trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ kỳ họp, nhất là các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, trong đó khẩn trương sửa chữa, nâng cấp, không để xảy ra sự cố hệ thống kỹ thuật, âm thanh tại hội trường như thời gian vừa qua.

Dự thảo Báo cáo nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, Nhân dân cả nước để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội; đồng thời, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình./

Hồ Hương

Các bài viết khác