Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bố cục dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm có 4 chương, 25 điều, quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Ủy ban Pháp luật tổ chức thẩm tra tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban theo Tờ trình số 68/TTr-MTTW-ĐCT ngày 11/4/2017 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương. Ủy ban Pháp luật đánh giá hồ sơ dự thảo Nghị quyết quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp này đã bảo đảm đầy đủ theo quy định và được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2017.
Về chủ thể ban hành Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 03 cơ quan có thẩm quyền ban hành dự thảo Nghị quyết. Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về nội dung này; cho rằng do đặc thù của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giao 03 cơ quan trên ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 27, Điều 34 và Điều 41 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Do đó, việc quy định 03 cơ quan thống nhất ban hành một Nghị quyết liên tịch là phù hợp với thẩm quyền được giao. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, trong năm 2011 và 2016, các cơ quan nói trên cũng đã ban hành một số Nghị quyết liên tịch về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Về hình thức giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này thì giám sát của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng là một trong các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã. Vì vậy, các quy định về các hình thức giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại Điều 11 của dự thảo Nghị quyết nếu chỉ quy định trình tự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng là không đầy đủ so với quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy, Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết không quy định được cụ thể hơn thì đề nghị chỉ nên viện dẫn chứ không lặp lại không đầy đủ các quy định đã có. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của hình thức giám sát này, đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể hơn, rõ hơn trách nhiệm của cả ba bên là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã trong hoạt động và việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Về cơ chế phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội với các cơ quan quyền lực nhà nước, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát, phản biện xã hội được quy định tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, theo đó kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sự trao đổi, thống nhất giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữa Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ chế phối hợp này, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nguyên tắc: việc giám sát, phản biện được thực hiện, dân chủ, công khai, minh bạch; không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; không làm ảnh hưởng đến tiến độ ban hành văn bản; không để một vụ việc, lĩnh vực, nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định. Ủy ban Pháp luật cho rằng, thực tiễn đời sống xã hội luôn biến động nhanh hơn so với kế hoạch đã đề ra, do đó dự thảo Nghị quyết cần có quy định định kỳ (3 tháng, 6 tháng hoặc khi cần thiết), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi, thống nhất với các cơ quan, tổ chức hữu quan để cụ thể hóa kế hoạch năm của việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, qua đó có thể điều chỉnh kế hoạch giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với tình hình thực tế theo yêu cầu của các bên.
Qua thảo luận, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung đã được tiếp thu, giải trình trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; cho rằng việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là một nội dung quan trọng, thể hiện tinh thần đề cao vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động các cơ quan nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Trên tinh thần thống nhất cao đối với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, 100% thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau khi Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn tất công đoạn rà soát, hoàn chỉnh lại câu chữ, kỹ thuật văn bản, dự kiến đầu tháng 5, Nghị quyết 03 bên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được ký với hình thức trang trọng.