Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận Ảnh: Đình Nam
Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, theo nguyên tắc ưu tiên phân bổ được quy định tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về việc phát hành bổ sung và phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014- 2016, các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/112/015 của Quốc hội thì các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được đưa vào đối tượng được tiếp tục ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016- 2020.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của tất cả các thành viên Chính phủ, Tờ trình của Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 1.244 xã (trong đó có 544 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt khó khăn) thuộc 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (không bao gồm 36 xã của thành phố Cần Thơ, là địa phương tự cân đối được ngân sách), là những xã nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, điển hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào nhóm đối tượng đặc thù được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương theo nguyên tắc phân bổ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến Ủy ban tán thành với sự cần thiết hỗ trợ vốn đầu tư đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long để góp phần khắc phục những khó khăn về đặc điểm địa lý, khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình thêm về suất vốn đầu tư bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long và những khó khăn so với các vùng, miền khác làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công bằng với các vùng, miền khó khăn khác. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ rà soát, phân loại, chỉ đề xuất bổ sung đối tượng đặc thù đối với các xã ngoài nhóm xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đã đạt từ 15 tiêu chí trở nên. Đặc biệt, để đảm bảo hỗ trợ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và không ảnh hưởng đến nguồn lực bố trí cho xây dựng nông thôn mới của các địa phương khác, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị, chỉ nên sử dụng một phần vốn từ nguồn vốn chưa phân bổ chi tiết của Chương trình này để hỗ trợ cho đồng bằng sông Cửu Long.
Thảo luận về vấn đề này, hầu hết các ý kiến của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định, mặc dù hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng nước biển dâng, tình trạng xâm ngập mặn… Do đó, việc hỗ trợ vốn đầu tư đối với khu vực này để khắc phục những khó khăn trên là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đưa tất cả 1.244 xã vào diện ưu tiên thì quá nhiều, dễ gây chồng chéo, vì vậy yêu cầu Chính phủ cần phải kiểm tra lại để đảm bảo công bằng với các vùng, miền khó khăn khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu đề xuất bổ sung số lượng lớn xã như trên để áp dụng hỗ trợ ưu tiên có thể gây ra sự chồng chéo. Bởi trong tổng số 1.244 xã được đề nghị, hiện đã có 544 xã đã nằm trong diện ưu tiên Nghị quyết 100, 266 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Do vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thực chất số xã cần được đề nghị ưu tiên phải thấp hơn rất nhiều so với con số Chính phủ đề nghị. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần phải rà soát lại.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng việc áp dụng đặc thù ưu tiên cho toàn bộ các xã ở đồng bằng sông Cửu Long như Tờ trình của Chính phủ đề nghị là quá rộng. Theo Phó Chủ nhiệm, cần làm rõ thế nào là đối tượng hưởng đặc thù ưu tiên, vì trên thực tế có nhiều địa phương khác như Ninh Thuận chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn khốc liệt, khó khăn hơn nhiều.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng chỉ ra rằng, các vùng khác đều có khó khăn riêng. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại để có chính sách ưu tiên chung nhằm đảm bảo tính toàn diện đối với tất cả các vùng, miền khó khăn khác trên cả nước.
Trước nhiều ý kiến còn chưa thống nhất về tổng số xã sẽ được áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ kiểm tra lại để xác định cụ thể những xã nào của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực sự cần hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn, chứ không phải ưu tiên cho toàn vùng. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát lại để trình xin ý kiến lại.