ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CÁC DỰ ÁN LUẬT, NGHỊ QUYẾT TRÌNH KỲ HỌP THỨ 5

10/04/2023

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, nhiều ý kiến đề nghị nên tổ chức kỳ họp này thành 2 đợt và tăng thời gian thảo luận đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo chất lượng tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/4: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 22 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 22 về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.

Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các dự án, dự thảo,.... bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan ngay sau phiên họp này tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các nội dung để sớm gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Về các điều kiện bảo đảm, trong thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị, phục vụ về thông tin, tài liệu, tuyên truyền, báo chí, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật nhất là hệ thống kỹ thuật, âm thanh, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống, cháy nổ, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh, ăn, ở, đi lại của đại biểu và các công tác bảo đảm khác... nhằm phục vụ tốt cho kỳ họp.

Dự kiến kéo dài 22 ngày làm việc

Theo dự kiến , chương trình Kỳ họp thứ 5tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Hai, ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào thứ Ba, ngày 20/6/2023 và dự phòng ngày 21/6/2023.

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã dự kiến chương trình chi tiết, trong đó đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)...

Đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường đối với một số dự án luật được nhân dân quan tâm gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đề xuất chia thành 2 đợt và tăng thời gian thảo luận đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo chất lượng

Qua thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ thống nhất kỳ này sẽ họp tập trung nhưng đề xuất tổ chức thành 2 đợt, dành một tuần giữa hai đợt để các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng dự án luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình với ý kiến tổ chức kỳ họp thành 2 đợt để có một tuần chuẩn bị các nội dung tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng hơn; trong đó ưu tiên bố trí vào đợt 1 những dự án luật, nghị quyết xem xét thông qua tại kỳ họp này...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, trước mắt chưa đưa vào dự kiến Chương trình Kỳ họp một số nội dung như Nghị quyết thí điểm sử dụng kinh phí chi thường xuyên, Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc một số luật, đa dạng hoá huy động tối đa nguồn lực, Nghị quyết về thí điểm một số chính sách nhà ở xã hội… do đến nay vẫn chưa có dự thảo Nghị quyết kèm theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chỉ đưa vào chương trình những nội dung đã chín, rõ

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ trong việc chuẩn bị Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV; đề nghị riêng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bên cạnh thảo luận tổ, đề nghị bố trí thêm thời gian để thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý dự án luật nào đã rõ, đã chín, đủ hồ sơ mới đưa vào chương trình. Dự kiến tại kỳ họp thứ 5 sẽ thảo luận và cho ý kiến với nhiều luật, vì vậy đề nghị cần khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội; đề nghị Ban dân nguyện có văn bản gửi các tỉnh thành phố trong việc tiếp công dân, xử lý điểm nóng về khiếu kiện; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, những nội dung nào được chuẩn bị kỹ, đủ chín, đủ rõ và nhận được sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình; đồng thời tinh thần là phải bảo đảm đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật./.

Thu Phương