PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UBTVQH: GIÁM SÁT TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH

23/09/2022

Sáng ngày 23/9, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của UBTVQH, sau khi nghe báo cáo của Đoàn giám sát về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, các thành viên UBTVQH cho ý kiến về nội dung này.

Giám sát tại những điểm nóng về dịch bệnh COVID-19, có vấn đề nổi cộm về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Không yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đã phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã họp 4 phiên, thông qua Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo; tiến hành lấy ý kiến chuyên gia, các bộ ngành.

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của UBTVQH 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất rộng, các nội dung không gắn với nhau nhiều đó là việc huy động nguồn lực phòng, chống Covid-19 – nội dung này tương đối độc lập với nội dung giám sát về chính sách pháp luật với y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trên cơ sở các tài liệu đã gửi và trình bày tóm tắt của đồng chí Phó trưởng đoàn thường trực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu một số thuận lợi đó là kinh nghiệm giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Xã hội của Quốc hội; vấn đề huy động nguồn lực phòng, chống Covid-19 đã có Báo cáo Kiểm toán đến hết năm 2021; Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ cũng đang triển khai nội dung này, Đoàn Giám sát cũng tận dụng kết quả này. Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đang nghiên cứu sửa đổi một số chính sách y tế, vì vậy thông qua hoạt động giám sát sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, bước đầu Đoàn giám sát đã thống kê 103 văn bản của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ liên quan đến huy động nguồn lực phòng, chống Covid-19 và 59 văn bản về y tế cơ sở, y tế dự phòng (bao gồm văn bản của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng và của các bộ) làm căn cứ triển khai giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị UBTVQH cho ý kiến về phạm vi giám sát; về việc không yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập mà giao Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa phương; dự kiến giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương…

Chuyên đề giám sát mang tính thời sự, nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân.

Phát biểu góp ý về Kế hoạch và Đề cương giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức các phiên họp, ban hành kế hoạch, đề cương, phân công chi tiết đầy đủ. Đây cũng là chuyên đề rất thời sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân, nếu làm tốt sẽ góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội cũng như được cử tri đánh giá cao.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Đoàn giám sát quan tâm một số nội dung, nhất là việc huy động các nguồn lực phòng chống dịch, trong đó có nguồn lực từ các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ; chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, y tế cơ sở có nhiều vấn đề cần quan tâm, xem xét. Vì vậy đề nghị cân nhắc phương pháp, cách thức giám sát, bố trí thời gian giám sát ở địa phương cho phù hợp, trong đó cần thành lập các tổ giúp việc Đoàn giám sát…

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Đối với vấn đề Đoàn giám sát xin ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với đề xuất của Đoàn giám sát: không yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập mà giao Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa phương; khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng trong công tác điều hòa phối hợp cần cân nhắc để đảm bảo tổng thể chung trong kế hoạch của Đoàn giám sát, địa phương nào có vấn đề mới xuống để giám sát cho rõ hơn, việc giám sát chỉ chỉ xoáy vào những vấn đề thông tin Đoàn giám sát có được, chứ nếu chỉ nghe thông tin một chiều của địa phương, như vậy sẽ không làm rõ được vấn đề.

Giám sát trọng tâm, trọng điểm, gắn với trách nhiệm giải trình.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số thuận lợi của Đoàn giám sát đó là Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong đó có tổng kết thực hiện Luật, trong đó có nội dung về y tế cơ sở, giúp giảm thời gian nghiên cứu, khảo sát cho Đoàn giám sát. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thanh tra Chính phủ và các cơ quan kiểm tra, điều tra, báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này. Vì vậy trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, Đoàn giám sát của Quốc hội đi sâu xem xét, đánh giá theo chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Chức năng của Quốc hội là thể chế hoá chủ trương của Đảng bằng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Đoàn giám sát cần tổng hợp chủ trương, pháp luật, chính sách liên quan đến nội dung giám sát để có cơ sở, căn cứ để đánh giá, trong đó xác định văn bản gốc để làm căn cứ thực hiện giám sát. Bên cạnh đó, cần làm sâu sắc hơn việc tổ chức thực hiện các Luật trong lĩnh vực y tế, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế; ngân sách chi cho y tế dự phòng; việc thực hiện huy động nguồn lực theo nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết của UBTVQH liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng giám sát của Quốc hội là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp, của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay chưa, kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, nếu sai phạm đề xuất các cơ quan khác vào cuộc. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giám sát cần gắn trách nhiệm giải trình, Quốc hội sẽ kết luận bằng nghị quyết giám sát - đây mục tiêu chung của các cuộc giám sát của Quốc hội, không chỉ riêng của Đoàn giám sát về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Giám sát tối cao của Quốc hội không phải là làm thay cho cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, mà chủ yếu là giám sát tổng hợp, trên cơ sở kết quả của kiểm toán, thanh tra, Đoàn giám sát của Quốc hội phân tích, đánh giá sâu sắc thêm vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng giám sát của Quốc hội là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp

Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 có nguồn lực trong nước và nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối việc huy động nguồn lực nước ngoài cần chú trọng giám sát việc tiếp nhận, mua vaccine, trang thiết bị y tế, việc phân phối, sử dụng. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung giám sát việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, chế tạo vật tư, vaccine, thiết bị sản xuất trong nước, vấn đề tự lực, tự cường trong phòng chống dịch. Việc giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó chú trọng quan tâm đến việc sử dụng nguồn lực của nhà nước.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào mô hình tổ chức trong đó làm rõ mô hình Trung tâm y tế huyện trực thuộc đơn vị nào, cấp chính quyền địa phương hay Sở Y tế; xem xét nhân lực đối với hệ thống y tế xã có phù hợp với điều kiện xảy ra dịch bệnh và hoạt động bình thường hay không; hiệu quả của mô hình y tế phường, xã gắn với mô hình bác sỹ gia đình.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, việc giám sát cần làm rõ thực trạng địa phương bố trí vốn cho y tế dự phòng như thế nào (có đảm bảo bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng). Đoàn giám sát lý giải nguyên nhân vì sao gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng lại không sử dụng hết, do không có nhu cầu, không quan tâm bố trí hay do không chuẩn bị đầu tư kịp; đồng thời kiến nghị đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng trong thời gian tới…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá rõ rủi rõ trong từng lĩnh vực để làm trọng tâm giám sát kể cả trong ban hành chính sách và tổ chức thực hiện. Đoàn giám sát xác rõ mục tiêu của hoạt động giám sát, phạm vi, vấn đề trọng tâm trọng điểm, không dàn đều, gắn với trách nhiệm giải trình. Triệt để sử dụng các tài liệu đã có của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; thời gian triển khai ngắn nên chủ yếu tiến hành giám sát tổng hợp; giám sát phải tránh chồng chéo với các cuộc thanh tra kiểm tra; giám sát không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống y tế và các cơ quan liên quan…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận UBTVQH đánh giá cao Đoàn giám sát khẩn trương triển khai các công việc, chuẩn bị tài liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các ý kiến tại phiên họp, đặc biệt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Đoàn giám sát tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu trình xin ý kiến tại Hội nghị giám sát toàn quốc vào ngày 27/9 tới.

Đoàn giám sát làm rõ mục tiêu, yêu cầu của hoạt động giám sát trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của UBTVQH, trong đó cụ thể hóa mục tiêu bảo đảm xác thực và phù hợp với yêu cầu cụ thể; làm rõ thuận lợi, khó khăn, rủi ro của hoạt động giám sát. Về nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm qua giám sát làm rõ trách nhiệm giải trình và đề xuất các cái giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới.

UBTVQH thống nhất không bắt buộc Thường trực Hội đồng nhân dân có báo cáo riêng, mà Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát và có báo cáo chung, nhưng khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có báo cáo riêng và tổ chức giám sát riêng.

Về nội dung làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương có đề cương chi tiết, có câu hỏi, nội dung cần phải làm rõ, không tiến hành giống nhau với tất cả các cơ quan. Trong quá trình thực hiện, ưu tiên giám sát tại địa phương có vấn đề nổi cộm và có điều phối chung của UBTVQH, tránh sự trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động khác của Quốc hội tại địa phương và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, địa phương…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đã phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã họp 4 phiên, thông qua Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo; tiến hành lấy ý kiến chuyên gia, các bộ ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Đoàn giám sát đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức các phiên họp, ban hành kế hoạch, đề cương, phân công chi tiết đầy đủ. 

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác