PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UBTVQH: GIÁM SÁT TẠI NHỮNG ĐIỂM NÓNG VỀ DỊCH COVID-19, CÓ VẤN ĐỀ NỔI CỘM VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

23/09/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sáng ngày 23/9, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ các quy định có tính đặc thù của lực lượng phòng thủ dân sự 

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo trình bày báo cáo. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết số 51/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng", Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội công tác triển khai, Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo giám sát.

Giám sát tại những điểm nóng về dịch COVID-19, có vấn đề nổi cộm về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Về những nội dung chính của Kế hoạch giám sát chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định mục đích giám sát nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Yêu cầu giám sát bám sát chủ trương của Đảng, các quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; về công tác y tế cơ sở và y tế dự phòng. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội. Đoàn giám sát chủ động tổ chức hoạt động giám sát, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đúng tiến độ; phân công, phối hợp, triển khai khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo. Sử dụng kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chuyên môn về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; về công tác y tế cơ sở và y tế dự phòng để làm nguồn thông tin phục vụ giám sát.

Về nội dung giám sát, căn cứ các văn bản hiện hành của Đảng, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, nội dung giám sát tập trung vào: Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; Việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Phạm vi giám sát tập trung vào việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: Trên phạm vi cả nước; thời gian giám sát: từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng: Trên phạm vi cả nước; thời gian giám sát: từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội , Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về dự thảo Kế hoạch chi tiết, các Đề cương báo cáo giám sát, Đoàn giám sát vào tháng 9/2022, Đoàn giám sát sẽ Ban hành Kế hoạch chi tiết, các Đề cương báo cáo; gửi văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc đối tượng giám sát và cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo. Trong tháng 02 và tháng 03/2023, trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả của các đối tượng giám sát và báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương, báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Đoàn giám sát sẽ giám sát trực tiếp tại một số Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng những nơi có tình hình nổi bật, có tính đại diện về vùng, miền, kinh tế - xã hội, là điểm nóng về dịch COVID-19, có vấn đề nổi cộm về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng tổ chức 01 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và phòng, chống dịch; làm việc với Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Đoàn Giám sát xin ý kiến UBTVQH đối với 4 nhóm vấn đề.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, các phụ lục kèm theo; đồng thời cho ý kiến về 4 vấn đề:

Thứ nhất, về phạm vi giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19: Tập trung giám sát tình hình, đánh giá kết quả, hiệu quả, tồn tại, hạn chế, khó khăn trong huy động, quản lý, sử dụng:

- Về tài lực bao gồm: Ngân sách nhà nước (các chính sách tài khóa, tiền tệ, viện trợ ngoài nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách); huy động tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

- Về vật lực bao gồm: các trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm … do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động, có thể quy đổi giá trị, thống kê được (đánh giá, biểu dương về kết quả huy động vật lực do nhân dân tự nguyện đóng góp mà không thống kê được, không quy đổi được giá trị).

- Về nhân lực: là lực lượng cán bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều động, gồm lực lượng cán bộ ngành y tế, Quân đội, Công an trực tiếp tham gia chống dịch (có đánh giá, biểu dương việc huy động các lực lượng khác tham gia phòng chống dịch).

Thứ hai, không yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập mà giao Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa phương. Khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng.

Thứ ba, Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương:

- Bộ, ngành (14 đơn vị): Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Địa phương (12 tỉnh, thành phố): Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Huế (hoặc Đà Nẵng), Kon Tum, Phú Yên, An Giang (hoặc Đồng Tháp), Cần Thơ, Tây Ninh (hoặc Bà rịa - Vũng tàu).

Thứ tư, trong quá trình giám sát, tùy theo tình hình thực tế và các điều kiện cho phép, Đoàn giám sát có thể điều chỉnh Kế hoạch giám sát và các đề cương giám sát. Ngoài nội dung đã có trong đề cương, khuyến khích các cơ quan, tổ chức cung cấp các thông tin khác cho đoàn giám sát./.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác