ĐẢM BẢO TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ

15/09/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Cần đồng bộ, thống nhất trong quy định về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng

Toàn cảnh phiên họp

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan tư pháp

Thẩm tra báo cáo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động, xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Đối với báo cáo công tác của ngành kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác của ngành kiểm sát vẫn còn một số tồn tại cần kịp thời khắc phục như: còn để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn. Mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%). Vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án; áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; một số trường hợp áp dụng án treo không đúng. Với công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tỷ lệ giải quyết vụ việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (trên 78%); còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Còn một số trường hợp vi phạm về thời hạn chuyển giao văn bản tố tụng, trả lại đơn khởi kiện…

Cho ý kiến về các nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các công tác tư pháp, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua. Các đại biểu cũng đánh giá các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, toàn diện, giàu thông tin, đem đến cái nhìn tổng thể về công tác tư pháp, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước trong năm vừa qua.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong năm vừa qua, số lượng vụ cháy tăng lên, tần suất xảy ra các vụ tai nạn do hỏa hoạn nhiều hơn, đặc biệt có những vụ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Nhấn mạnh đây là vấn đề rất được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần phải phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân các vụ hỏa hoạn gia tăng, đồng thời cần siết chặt hơn nữa để giảm thiểu các rủi ro, đảm bảo những sự việc này không lặp lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu thực trạng, hiện nay có nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ, thậm chí có những biểu hiện manh động nghiêm trọng. Vì vậy, bên cạnh những quy định đảm bảo những người thi hành công vụ thể hiện sự tôn trọng với người dân, cần có các quy định cụ thể để bảo vệ những người thi hành công vụ, đồng thời cũng là bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Cùng quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị báo cáo phân tích, đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về tính chất, mức độ tội phạm, nhất là sự ra gia tăng hành vi bạo lực, bạo hành, những hành vi phạm tội với những hình thức tàn ác, nhất là hành vi phạm tội đối với trẻ em. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần phải sự phân tích, đánh giá rõ hơn để tìm ra nguyên nhân chủ yếu, qua đó đề xuất và triển khai những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn được các vụ án có tính chất nghiêm trọng như vậy.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội thảo luận tại phiên họp

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc thu hồi tài sản thất thoát qua các vụ án còn hạn chế, đề nghị Chính phủ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan tư pháp nỗ lực hơn nữa, có những phương án, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.  

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, qua giám sát ở các địa phương, một thực trạng nổi lên là có sự chậm trễ ở nhiều khâu trong quy trình hoạt động tố tụng, từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều kéo dài thời gian, gây lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, những lãng phí này không lượng hóa được, không có số liệu, hướng dẫn thống kê đánh giá. Đánh giá nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng các bản án được tuyên, do sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tư pháp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Tuyên truyền phòng, chống tham nhũng phải đảm bảo thực chất, đúng đối tượng

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra. Tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn xảy ra ở một số địa phương. chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn chậm, một số vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá... Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tham gia thảo luận

Thảo luận về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, dù các cấp, các ngành đã kiên quyết xử lý, nhưng tội phạm tham nhũng vẫn còn gia tăng và diễn biến phức tạp, số vụ việc, số bị can đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Các đại biểu đề nghị đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của sự gia tăng này là do sơ hở trong quy định của pháp luật, hay do công tác tổ chức thi hành pháp luật, hay do nhận thức của cán bộ, để từ đó có định hướng, những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Có ý kiến đề nghị báo cáo nhấn mạnh hơn đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Đây là một lực lượng hết sức quan trọng, chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, cần tính đến điểm đặc thù của loại tội phạm vi phạm pháp luật này. Đối tượng vi phạm ở đây chủ yếu là những cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn, nên thực tế nhận thức của họ không hẳn là thấp. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật này cần phải đầu tư hình thức phù hợp để đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp, có trọng tâm.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tập trung quản lý công tác truyền thông và định hướng dư luận xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tốt công tác công khai thông tin, nhất là các thông tin chế độ, chính sách về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, v.v. để hạn chế những cơ hội mà người dân không nắm rõ thông tin, dễ phát sinh bất cập. Đồng thời, đề nghị đề cao hơn nữa yếu tố phòng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với loại tội phạm này để có thể ngăn chặn, không phải là chờ đến khi hành vi xảy ra rồi mới xử lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy  ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối nội chính, khối tư pháp, công tác của ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan của Chính phủ có liên quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với các năm trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu, cập nhật số liệu đủ 12 tháng để báo cáo với Quốc hội và gửi Ủy ban Tư pháp để thẩm tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về nội dung này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần phải phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân các vụ hỏa hoạn gia tăng, đồng thời cần siết chặt hơn nữa để giảm thiểu các rủi ro

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan tư pháp có  giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả việc việc thu hồi tài sản thất thoát qua các vụ án

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị các báo cáo cần bổ sung, làm rõ công tác phòng, chống COVID trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đề nghị làm rõ một số thông tin trong phụ lục báo cáo công tác tư pháp

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, công tác phát hiện, điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, số lượng vụ án tham nhũng tăng do công tác phòng, chống tham nhũng đang được thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản, quyết liệt.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo về mặt chuyên môn cho các thanh tra địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập để góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có tác động tích cực trong tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tố tụng

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu, cập nhật số liệu đủ 12 tháng để báo cáo với Quốc hội và gửi Ủy ban Tư pháp để thẩm tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Hồ Hương- Nghĩa Đức