TRÌNH UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT BAN HÀNH NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI (SỬA ĐỔI): NỘI QUY HÓA NHỮNG CẢI TIẾN, ĐỔI MỚI ĐÃ ĐƯỢC THỰC TIỄN CHỨNG MINH

17/08/2022

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới.

Góp ý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi): Quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành

Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra

Sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội - bảo đảm cơ sở pháp lý hoạt động của QUốc hội

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội cho biết, sau gần 07 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội nên Nội quy cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp với thực tiễn, trong quá trình hoạt động, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp, được thực tiễn kiểm nghiệm, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đánh giá cao, cần được xem xét để bổ sung quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý.

Việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh; nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.

Nội dung dự thảo Nội quy (sửa đổi) gồm 3 chương với 56 điều gồm Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 12); Chương II quy định về Phiên họp tại Kỳ họp Quốc hội (từ Điều 13 đến Điều 26); Chương III quy định về Xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp (từ Điều 27 đến Điều 56). Dự thảo Nội quy (sửa đổi) bổ sung 05 điều, sửa đổi 41 điều và kế thừa giữ nguyên 10 điều so với Nội quy hiện hành.

Trình Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội với 24 vấn đề mới

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội trình bày Tờ trình

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới. Theo đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham dự kỳ họp, sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp; bổ sung quy định về hình thức phiếu điện tử, quy định về kỳ họp bất thường, quy định thủ tục giới thiệu tại phiên khai mạc và phiên bế mạc; về hình thức làm việc trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến; quy định phân công người trình bày. Bổ sung quy định về quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội; thẩm quyền cho Chủ tọa, người điều hành phiên họp toàn thể; quy định về chất vấn; hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử; trách nhiệm cơ quan chủ trì thẩm tra đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, giải trình ý kiến ở Tổ.

Dự thảo quy định cụ thể hơn nghi thức tuyên thệ, bổ sung trình tự xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, quy định rõ quy trình, thủ tục ban hành Nghị quyết kỳ họp; bổ sung quy định về việc xem xét, quyết định hoặc điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và các luật khác; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của các luật có liên quan…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình thảo luận có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể: Có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 05 phút. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 07 phút như Nội quy hiện hành.

Về vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp: Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung. Ý kiến khác đề nghị Chủ tọa, người điều hành phiên họp chỉ có quyền điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp

Về tranh luận, chất vấn lại: Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn: Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Thời gian tranh luận không quá 02 phút. Có ý kiến cho rằng nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn. Còn chất vấn lại được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn.

Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể: Có ý kiến đề nghị quy định hình thức biểu quyết linh hoạt hơn trong trường hợp đặc biệt như khi dịch bệnh. Theo đó đề nghị bổ sung quy định khi cần thiết, Quốc hội áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết theo đề nghị của Chủ tọa. Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng đồng thời các hình thức biểu quyết khác nhau với mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội, do đó đề nghị cân nhắc việc quy định trường hợp biểu quyết nêu trên.

Về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 02 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội: Có ý kiến đề nghị quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 02 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội quy định tương tự như quy trình về xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia như tại Nội quy hiện hành. Ý kiến khác cho rằng nên quy định cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ tài liệu trình Quốc hội trong thời gian giữa 02 kỳ họp thì phù hợp hơn, vì Chính phủ mới có đủ điều kiện về nguồn lực để tổ chức phân tích, đánh giá, nhất là những vấn đề về tài chính, kỹ thuật, công nghệ…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và tiến hành thảo luận về nội dung này.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật chi tiết nội dung.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác