PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

16/08/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 16/8, các đại biểu nghe Tờ trình, báo cáo thẩm định và thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đây là dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp.

Thành công của Phiên họp chuyên đề pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của Kỳ họp thứ 4

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và văn bản dưới luật.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ, thay mặt Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng thủ dân sự, trong đó nêu rõ sự cần thiết ban hành luật. Bởi phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Phòng thủ dân sự bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh; hoặc tổng thể các hoạt động được chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra, nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ, thay mặt Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng thủ dân sự

Nhằm cụ thể hóa quy định về phòng thủ dân sự trong Luật Quốc phòng, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về phòng thủ dân sự, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thực tiễn.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành, bao quát đầy đủ hơn về hoạt động phòng thủ dân sự. Khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật, bao quát các quy định pháp lý về phòng thủ dân sự nâng thành một đạo luật để áp dụng thống nhất. Phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng, tạo cơ sở để chúng ta nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự của Việt Nam…

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được bố cục thành 7 chương, 75 điều, nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự. Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Ban soạn thảo xin cũng ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trạng khẩn cấp về phòng phủ dân sự. Theo đó, phương án 1 quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự từ (quy định tại Điều 29 đến Điều 33 của dự thảo luật) và phương án 2 không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Nghiên cứu kỹ quy định về phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng thủ dân sự do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày tại phiên họp cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hộicơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự và cho rằng, phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng; phòng thủ dân sự liên quan tới mọi lĩnh vực của đất nước và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, với sự tham gia của mọi người dân. Trước những diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, những biến động của tình hình thế giới, khu vực thì việc ban hành luật này là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ các căn cứ và làm rõ thêm về sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng luật này cần đặt trong tổng thể xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự và các chiến lược quan trọng khác về quốc phòng, an ninh và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để có cơ sở vững chắc hơn; ưu tiên xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp; hoặc nếu các luật chuyên ngành còn thiếu, quy định chưa thống nhất thì nên xây dựng một luật sửa nhiều luật hoặc tổ chức thực hiện tốt các quy định đã có của luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng thủ dân sự 

Về hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định, nhưng đề nghị cân nhắc, vì chỉ có 01 nghị định quy định chi tiết 15 nội dung với 68 điều. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung thông tin về pháp luật phòng thủ dân sự ở một số nước để nghiên cứu, cho ý kiến và xây dựng luật.

Đối với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật cơ bản bao quát các nội dung phòng thủ dân sự, nhưng Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cần bám sát quy định phòng thủ dân sự tại Điều 13 Luật Quốc phòng. Phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan trực tiếp đến nội hàm của khái niệm “Phòng thủ dân sự”, nhưng dự thảo chưa cân đối giữa các nhóm nội dung;  6 Nhóm chính sách chính đã nêu, cần tiếp tục cụ thể hơn chính sách 3 và chính sách 5 và các nội dung thể hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Có ý kiến cho rằng, luật này chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng trở lên, vì các trường hợp thông thường đã có các luật chuyên ngành quy định; ý kiến khác đề nghị sửa tên Luật là “Luật Phòng vệ dân sự”, vì “phòng thủ” gắn với chiến tranh, quân sự hoặc sửa thành “Luật Phòng, chống thảm họa, sự cố do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và phòng thủ dân sự”. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc xác định phạm vi điều chỉnh rất quan trọng, nên đề nghị nghiên cứu, làm rõ để xây dựng phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, không chồng lấn sang phạm vi của các luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự quy định tại Mục 4 Chương II, qua thảo luận còn có 2 loại ý kiến:

Một số ý kiến cho rằng, việc quy định phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhưng đề nghị sửa lại tên Mục 4 là “Phòng thủ dân sự trong trường hợp khẩn cấp” tránh chồng chéo với hoạt động phòng thủ dân sự thông thường. Pháp luật hiện hành chưa quy định phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, nên khi xảy ra tình trạng khẩn cấp thì sẽ kích hoạt các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp; đồng thời cần rà soát tránh nhắc lại nội dung về tình trạng khẩn cấp đã được pháp luật quy định.

Một số ý kiến đề nghị tổng kết thực hiện quy định về tình trạng khẩn cấp và xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp trước; bổ sung giải thích cụm từ “tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự”.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ, nếu quy định về phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp cần làm rõ các “khoảng trống” pháp lý của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và các luật khác; chỉnh lý để tránh chồng chéo, trùng lắp; đánh giá thêm về cơ sở, nhất là thực tế việc chống dịch Covid-19 vừa qua cho phù hợp về phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp và nghiên cứu xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp; theo đó việc triển khai các biện pháp để xử lý thảm họa, sự cố cấp độ 4 sẽ áp dụng các quy định của Luật về tình trạng khẩn cấp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho ý kiến về các quy định khác trong dự thảo luật như: biện pháp đặc biệt hỗ trợ ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố cấp độ 4; quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và lực lượng phòng thủ dân sự; quỹ phòng thủ dân sự; trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự…

Cổng Thông tin điện tử sẽ tiếp tục phản ánh chi tiết nội dung thảo luận về Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác