• Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA HAI NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP THỊ TRẤN BÌNH PHÚ (TIỀN GIANG) THỊ XÃ CHƠN THÀNH (BÌNH PHƯỚC)

    11/08/2022

    Sáng 11/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết về: Thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

     

    Thành lập thị trấn Bình Phú, thị xã Chơn Thành, 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành phát huy được tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội.

    Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sự cần thiết thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy nằm ở phía Tây của tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 29km, trên các trục giao thông huyết mạch là Quốc lộ 1A và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Từ khi được thành lập theo Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ, cho đến nay huyện Cai Lậy chỉ có 16 xã, chưa có thị trấn huyện lỵ trực thuộc.

    Xã Bình Phú là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Cai Lậy. Trụ sở của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan thuộc ngành dọc đặt tại địa phương của huyện Cai Lậy đã được quy hoạch và xây dựng trên địa bàn xã Bình Phú. Cùng với sự phát triển của huyện Cai Lậy, trong những năm qua xã Bình Phú đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị tương đối hoàn chỉnh để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trấn huyện lỵ. Với lợi thế có các đường Quốc lộ 1A, đường tỉnh 875B, đường huyện 57B, đường huyện 63...

    Những thay đổi về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị trên địa bàn xã Bình Phú nêu trên đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết; mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay đang gặp nhiều bất cập do quá trình đô thị hoá, cần phải chuyển đổi sang mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp. Vì vậy, việc thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Bình Phú là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể của xã Bình Phú nói riêng; của huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang nói chung.

    Toàn cảnh phiên họp.

    Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sự cần thiết thành lập thị xã Chơn Thành, huyện Chơn Thành nằm ở phía Tây nam của tỉnh Bình Phước, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 35 km, cách thành phố Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương 55 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 80 km. Với địa hình tương đối bằng phẳng, vị trí địa lý gần các trung tâm công nghiệp lớn, có các tuyến đường huyết mạch chạy qua như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh,... thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, có vai trò kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư.

    Cụ thể, tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 – 2020 theo Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định huyện Chơn Thành thuộc phạm vi vùng trung tâm của tỉnh Bình Phước, định hướng tập trung phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ gắn với các trục giao thông quan trọng. Đây là vùng có mật độ dân cư đông đúc, đô thị hóa cao và là động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch chung đô thị Chơn Thành tỉnh Bình Phước đến năm 2040.

    Triển khai thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian qua tỉnh Bình Phước đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn huyện Chơn Thành. Đến nay, huyện Chơn Thành đã là trung tâm kinh tế của tỉnh Bình Phước với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm (2019-2021) là 17,37% ; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 81 triệu đồng (bằng 1,42 lần bình quân của cả nước); tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm (2019-2021) là 0,26% ; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn huyện năm 2021 là 70,49%, trong đó tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị là 81,51%...

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình

    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được nêu trên, hiện nay địa bàn huyện Chơn Thành đã phát sinh những vấn đề khó khăn, bất cập cần tập trung giải quyết như tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội tại các khu công nghiệp; vi phạm trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên ngày càng gia tăng. Để khắc phục những khó khăn, bất cập này và để phù hợp với quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Chơn Thành thì việc thành lập thị xã Chơn Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Chơn Thành là cần thiết.

    Sự cần thiết thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Phước tại Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 01/7/2014 của UBND tỉnh Bình Phước đã xác định mục tiêu nâng cấp toàn bộ huyện Chơn Thành thành thị xã Chơn Thành, gồm 05 phường và 04 xã. Trong đó, khu vực thị trấn Chơn Thành và 04 xã: Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, có vai trò kết nối trung tâm của huyện Chơn Thành với các vùng phụ cận, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn của tỉnh Bình Phước, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ, tốc độ đô thị hóa nhanh, lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày được nâng lên. Căn cứ quy định của pháp luật và hiện trạng phát triển tại thị trấn và 04 xã nêu trên, UBND tỉnh Bình Phước đã tiến hành đánh giá, lập hồ sơ đề nghị và đã được Bộ Xây dựng thống nhất với kết quả đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực thị trấn Chơn Thành và 04 xã dự kiến thành lập các phường đạt tiêu chí của đô thị loại IV (tại Văn bản số 5539/BXD-PTĐT ngày 17/11/2020 của Bộ Xây dựng).

    Để phù hợp với hiện trạng phát triển và quá trình đô thị hóa, phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thì việc thành lập 05 phường thuộc thị xã Chơn Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Chơn Thành và 04 xã (Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành) là cần thiết.

    Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, vùng và tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp.

    Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hiện nay, huyện Cai Lậy với diện tích tự nhiên 294,83 km2, quy mô dân số 211.059 người và 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc nhưng chưa có thị trấn huyện lỵ. Xã Bình Phú hiện là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Cai Lậy.

    Trong những năm qua, xã Bình Phú đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị tương đối hoàn chỉnh để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trấn huyện lỵ. Với lợi thế về giao thông, đặc biệt là có tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua, đã tạo thành mạng lưới giao thông liên vùng, đưa Bình Phú trở thành trung tâm thương mại có vai trò trung chuyển giữa các huyện nằm trong khu vực phía Tây của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - đô thị tiểu vùng phía Tây của tỉnh Tiền Giang và khu vực lân cận. Kinh tế của xã Bình Phú có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang sạch đẹp.

    Những thay đổi về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị và tốc độ đô thị hóa trên địa bàn xã Bình Phú nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải chuyển đổi sang mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, phát huy được tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể của xã Bình Phú nói riêng, của huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang nói chung.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

    Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự cần thiết thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với các lý do như đã thể hiện trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ.

    Huyện Chơn Thành có diện tích tự nhiên 390,34 km2, quy mô dân số 121.083 người với 09 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc nằm phía Tây nam của tỉnh Bình Phước, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 35 km, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương và cách thành phố Hồ Chí Minh 80 km. Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn huyện Chơn Thành; cơ cấu kinh tế của huyện được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp và phát triển đô thị. Hệ thống cơ sở hạ tầng có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống đường giao thông được trải nhựa và bê tông hóa, nhiều tuyến đường chính được chiếu sáng, các hộ gia đình được sử dụng điện lưới và nước sạch, rác thải được thu gom và xử lý tương đối tốt, nhiều công trình văn hóa - xã hội được đầu tư tương đối đồng bộ.

    Cùng với sự phát triển của huyện Chơn Thành, khu vực thị trấn Chơn Thành và 04 xã Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc huyện Chơn Thành thời gian qua cũng được địa phương quan tâm đầu tư, có vai trò kết nối trung tâm của huyện Chơn Thành với các vùng phụ cận, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn của tỉnh Bình Phước, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ, tốc độ đô thị hóa nhanh, lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Với sự phát triển về kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa của huyện Chơn Thành, thị trấn Chơn Thành và 04 xã Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc huyện Chơn Thành đã đặt ra yêu cầu cần phải chuyển đổi sang mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, phát huy được tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền địa phương.

    Về điều kiện thành lập thị trấn Bình Phú Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, phải bảo đảm đủ 05 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là: Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 , Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tiền Giang , quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy đến năm 2030  và Quy hoạch chung đô thị Bình Phú ; Bảo đảm lợi ích chung của đất nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương; phát huy được tiềm năng, lợi thế của đô thị Bình Phú, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang; Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định tại Nghị quyết số 1211…

    Về điều kiện thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã bảo đảm các điều kiện sau đây: Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, của vùng và của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước nói chung và của huyện Chơn Thành nói riêng; Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường trực thuộc tạo điều kiện củng cố tốt hơn về quốc phòng, an ninh trên địa bàn…

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ của Chính phủ, ý kiến giải trình tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là cần thiết, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xã Bình Phú dự kiến thành lập thị trấn đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 1211, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án cơ bản đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

    Để các cơ quan, tổ chức và địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, đề nghị chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Bình Phú để kịp thời ban hành ngay sau khi Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó nêu rõ tiến độ, yêu cầu đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; việc chuyển đổi tên gọi, thay đổi con dấu, chuyển đổi các loại giấy tờ cần thiết nếu tổ chức, người dân trên địa bàn có yêu cầu.

    Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương cần có định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, có kế hoạch, tiến trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch, đặc biệt là đối với diện tích đất nông nghiệp; quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng đô thị của đô thị Chơn Thành và có phương án giải quyết các vấn đề bất cập như đã nêu ở trên để bảo đảm khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành và các phường trực thuộc có thể phát triển toàn diện, bền vững, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị, phát huy được vai trò của đô thị loại IV.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết thành lập thị trấn Bình Phú (Tiền Giang) thị xã Chơn Thành (Bình Phước)

    Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường chia sẻ với lo ngại của một số thành viên Ủy ban Pháp luật về tiêu chí mật độ dân số toàn đô thị khi đồng tình thành lập thị xã Chơn Thành. Tuy nhiên, nếu tính trên số liệu người đăng ký hộ khẩu sẽ không đạt, song huyện Chơn Thành hiện đang là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bình Phước, với lượng lao động vãng lai lớn.

    Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ thống thất cao về tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật chặt chẽ và đầy đủ. Liên quan đến mật độ dân số các tỉnh Tây Nguyên thấp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nếu xét về mật độ dân số thì không đủ điều kiện thành lập thị trấn Bình Phú, tuy nhiên, xét về các tiêu chí khác đủ điều kiện thành lập, do vậy sau khi cho phép thành lập thị trấn Bình Phú người dân sẽ về sinh sống, tăng mật độ dân số. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với Tờ trình của Chính phủ nâng cấp huyện Phú Bình lên thị xã.

    Đối với kiến nghị xử lý nước thải đô thị đạt quy chuẩn kỹ thuật theo đề nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm mật độ dân số ở khu vực này thấp, yêu cầu xử lý nước thải chưa thực sự cấp bách như đối khu vực đồng bằng, do vậy sau khi cho phép nâng cấp lên thị xã, địa phương sẽ phải tiếp tục hoàn thành chỉ số này.

    Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy, hai đơn vị hành chính được đề nghị thành lập lần này được chuẩn bị hồ sơ từ lâu, các Đề án được xây dựng kỹ càng, nhiều số liệu trong báo cáo được cập nhật kịp thời. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra nghiêm túc, nắm chắc các chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TW; Chính phủ đã chuẩn bị kỹ hai hồ sơ Đề án thành lập đơn vị hành chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

    Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

    Đối với đề nghị thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành tỉnh Bình Phước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, huyện Chơn Thành là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bình Phước, với nhiều khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn. Do vậy, nếu tính cả số lượng lao động vãng lai thì tổng dân số là rất lớn, mật độ dân số trên toàn đô thị sẽ không thấp hơn so với bình quân trên cả nước như số liệu được báo cáo, đáp ứng tiêu chí của đô thị loại IV.

    Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, thì "lo ngại nhất là giữa công nghiệp hóa và tốc độ đô thị hóa không gắn với nhau". Nhưng trên địa bàn huyện Chơn Thành đang gắn quá trình đô thị hóa với công nghiệp hóa, với tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới. Tốc độ công nghiệp hóa cao như vậy mà kìm hãm về đô thị sẽ xảy ra sự mất cân xứng, do vậy cần nâng lên thành thị xã Chơn Thành để tương thích với sự phát triển công nghiệp của địa phương. “Điều chúng ta lo nhất là “lõi là nông nghiệp, vỏ là đô thị”, nhưng ở trên địa bàn huyện Chơn Thành lại khác. Tốc độ công nghiệp hóa của địa phương này hiện đã nhanh và dự kiến sẽ càng nhanh hơn khi tiếp tục đầu tư hạ tầng, thi công một số đường cao tốc ở khu vực lân cận”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

    Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị của Chính phủ, của hai địa phương, các bộ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Hồ sơ Đề án thành lập thị trấn trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được xây dựng kỹ lưỡng, có báo cáo giải trình thận trọng, kỹ lưỡng. Hồ sơ, trình tự, thủ tục của hai đề án được bảo đảm đúng quy định của pháp luật theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị định có liên quan.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đề nghị thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền và thị xã Chơn Thành, 05 phương thuộc thị xã đều đạt các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Các vấn đề mà Ủy ban Pháp luật nêu ra trong báo cáo thẩm tra đều đã được Bộ Xây dựng, lãnh đạo tỉnh Bình Phước có văn bản báo cáo bổ sung, Chính phủ có báo cáo giải trình đầy đủ, chi tiết, thấu đáo, có tính thuyết phục. Như vậy, hồ sơ đạt đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo hai tỉnh thực hiện tốt, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi Ủy ban Thường vụ hội thông qua các Nghị quyết này, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cộng đồng dân cư về xu hướng phát triển và quyết tâm phát triển của tỉnh. Điều chỉnh các thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, chuyển đổi giấy tờ, con dấu, điều chỉnh địa giới và điều chỉnh quy hoạch, xử lý các vướng mắc phát sinh để bảo đảm sau khi các Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thì mọi việc được thực hiện suôn sẻ, qua đó đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của hai tỉnh Tiền Giang, Bình Phước, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

    Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, với tỷ lệ 100% các thành viên tán thành, thông qua hai Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

    Một số hình ảnh tại Phiên họp:

    Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sự cần thiết thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy nằm ở phía Tây của tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 29km, trên các trục giao thông huyết mạch là Quốc lộ 1A và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Từ khi được thành lập theo Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ, cho đến nay huyện Cai Lậy chỉ có 16 xã, chưa có thị trấn huyện lỵ trực thuộc.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với sự cần thiết thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với các lý do như đã thể hiện trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ.

    Ủy ban Pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường chia sẻ với lo ngại của một số thành viên Ủy ban Pháp luật về tiêu chí mật độ dân số toàn đô thị khi đồng tình thành lập thị xã Chơn Thành. Tuy nhiên, nếu tính trên số liệu người đăng ký hộ khẩu sẽ không đạt, song huyện Chơn Thành hiện đang là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bình Phước, với lượng lao động vãng lai lớn.

    Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ thống thất cao về tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật chặt chẽ và đầy đủ.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, huyện Chơn Thành là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bình Phước, với nhiều khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn. Do vậy, nếu tính cả số lượng lao động vãng lai thì tổng dân số là rất lớn, mật độ dân số trên toàn đô thị sẽ không thấp hơn so với bình quân trên cả nước như số liệu được báo cáo, đáp ứng tiêu chí của đô thị loại IV.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đề nghị thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền và thị xã Chơn Thành, 05 phương thuộc thị xã đều đạt các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. 

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, với tỷ lệ 100% các thành viên tán thành, thông qua hai Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước./.

    Ánh Nguyệt - Phạm Thắng

    Các bài viết khác