• Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

    28/04/2022

    Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 935/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

     

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

    Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ các lường lối, chính sách được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và các Nghị quyết khác có liên quan; bảo đảm các quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục kế thừa có chọn lọc các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đang được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động trực tiếp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế qua đó bổ sung nội dung, giải trình đầy đủ, thuyết phục về những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

    Cụ thể, về thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Bổ sung quy định tại dự thảo Luật về địa vị pháp lý, mối quan hệ của Hội đồng Y khoa quốc gia với các cơ quan quản lý cấp giấy phép hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn trong quá trình đào tạo chuyên môn và hoạt động cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

    Quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh cần được xem xét, đánh giá tác động khoa học, chặt chẽ nhằm bảo đảm tính khả thi và chất lượng.

    Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp

    Về các chức danh nghề nghiệp cần được cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Tiếp tục rà soát để tránh bỏ sót chức danh nghề nghiệp tham gia khám bệnh, chữa bệnh mà không được cấp giấy phép hành nghề. Có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.

    Về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam: Cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục và có lộ trình áp dụng cụ thể để vừa đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và tính khả thi của quy định, vừa hội nhập quốc tế. Nghiên cứu đưa ra các phương án khác nhau về nội dung này, phân tích ưu nhược điểm của từng phương án để trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

    Về hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh: Cần đánh giá tác động sâu sắc hơn về quy định phân cấp hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khả thi, lưu ý phân tích ưu điểm, nhược điểm, hiệu quả và mục đích của việc phân cấp này so với việc phân tuyến hiện tại. Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và phạm vi cung ứng dịch vụ của mỗi cấp khám bệnh, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối của các tuyến khám bệnh, chữa bệnh, lộ trình thay đổi phân tuyến, khám bệnh, chữa bệnh; việc phân cấp khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân, phân hạng bệnh viện.

    Về Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Làm rõ khái niệm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu quy định Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân hoạt động hoàn toàn theo mục tiêu lợi nhuận thực hiện theo quy định của Luật Giá, song cần có cơ chế kiểm soát giá; bổ sung vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp.

    Nghiên cứu quy định cụ thể tại dự thảo Luật về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

    Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) tới

    Nghiên cứu bổ sung và làm rõ các quy định về: Quỹ hỗ trợ khám bệnh chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh phi lợi nhuận; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật cao; phát triển y tế cơ sở; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và một số vấn đề khác có liên quan.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo chất lượng và thời gian gửi Hồ sơ dự án Luật đến cơ quan thẩm tra trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

    Đồng thời, giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội. Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự án Luật; đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tiếp tục tham gia ý kiến từ các góc độ phụ trách của mình và để bảo đảm tính toàn diện.

    Bảo Yến

    Các bài viết khác