Sáng 12.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
Theo Tờ trình về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông Nguyễn Bắc Son trình bày, việc sửa đổi Luật Xuất bản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với hoạt động xuất bản; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết; kế thừa và phát huy ưu điểm của các quy định trong Luật Xuất bản hiện hành; đồng thời, bổ sung thêm một số quy định mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế phát sinh; tăng cường các biện pháp, cơ chế bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch và tạo điều kiện để hoạt động xuất bản, in, phát hành phát triển lành mạnh, đúng định hướng của Đảng trong thời gian tới. Dự thảo Luật vẫn được giữ nguyên bố cục về các chương như Luật hiện hành, gồm 5 chương, 50 điều với nội dung chủ yếu gồm những quy định chung; tổ chức và hoạt động xuất bản; tổ chức và hoạt động in; tổ chức và hoạt động phát hành; điều khoản thi hành.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Xuất bản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi cho rằng: việc sửa đổi Luật Xuất bản phải tập trung vào những vấn đề cốt lỗi nhằm hoàn chỉnh căn bản hành lang pháp lý để vừa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, vừa điều chỉnh được những quan hệ phát sinh trong hoạt động xuất bản. Đồng thời, tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hóa – tư tưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Về tên gọi của Luật, Ủy ban Văn hóa Giáo dục TN, TN và NĐ cho rằng nên giữ nguyên tên gọi là Luật Xuất bản thay vì đổi tên thành Luật Xuất bản, in và phát hành như Tờ trình của Chính phủ. Bởi lẽ, Luật Xuất bản hiện hành đã quy định hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng đã quy định tại Điều 4 về giải thích từ ngữ: Hoạt động xuất bản là việc tổ chức bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành. Trong từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ xuất bản cũng được hiểu là việc chuẩn bị bản thảo để in ra thành sách, báo tranh ảnh và phát hành. Khái niệm xuất bản đã bao hàm cả việc tổ chức và biên tập bản thảo (tức là xuất bản theo nghĩa hẹp hay chính xác hơn, để tránh nhầm lẫn thì nên gọi là sản xuất xuất bản phẩm) lẫn việc in và phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản phải bao gồm ba khâu cấu thành, có quan hệ mật thiết với nhau là xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Quan niệm này đã được thể hiện nhất quán trong xuất bản hiện hành và khái niệm xuất bản đã được quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật nước ta. Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật Xuất bản (sửa đổi) nên tuân thủ tiêu chí xuất bản phẩm. Nghĩa là những gì liên quan đến xuất bản phẩm thì điều chỉnh trong luật, những vấn đề không liên quan đến xuất bản phẩm thì không điều chỉnh trong luật.
Đối với tổ chức của nhà xuất bản, khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật quy định Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là do Nhà nước sở hữu. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng quy định về mô hình hoạt động của nhà xuất bản như trong dự thảo Luật chưa bao quát được hết các loại hình đang tồn tại trong thực tiễn. Hơn nữa, so với quy định trên thì quy định về loại hình tổ chức nhà xuất bản trong Luật hiện hành tiến bộ hơn, đó là Nhà xuất bản được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu – quy định này mở hơn, tạo nhiều cơ hội lựa chọn hơn về mô hình cho các nhà xuất bản, tạo điều kiện để các nhà xuất bản năng động hơn trên cơ sở phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong tình hình hiện nay không nên coi xuất bản phẩm nằm trong loại hình kinh tế Nhà nước phải độc quyền quản lý. Cũng không nên sử dụng hình thức thành lập các nhà xuất bản 100% vốn nhà nước để quản lý xuất bản phẩm. Quản lý xuất bản phẩm nằm ở việc cấp giấy phép xuất bản. Cụ thể là khi xem xét cấp phép xuất bản, chúng ta phải xem xét nội dung, hình thức của xuất bản phẩm đề nghị được cấp phép có phù hợp với quy định của pháp luật, với thuần phong đạo đức, văn hóa hay không? Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tổ chức của nhà xuất bản nên giữ như luật hiện hành. Bởi đa số các nhà xuất bản hiện nay đang tổ chức theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, một số là đơn vị sự nghiệp có thu. Tổ chức theo loại hình kinh doanh có điều kiện thì có điều kiện để phát triển hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động, huy động vốn, tổ chức hoạt động xuất bản tốt hơn.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, lực lượng luật sư đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng từng bước được nâng lên. Hoạt động luật sư đã có đóng góp ngày càng quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp. Tuy nhiên, các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện trở thành luật sư chưa chặt chẽ, rõ ràng và có phần dễ dãi. Thủ tục để luật sư tham gia tố tụng còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề. Để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư góp phần đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư dự kiến sửa đổi 28 điều, bổ sung 2 điều và bỏ 3 điều trên tổng thể 94 điều của luật hiện hành. Trong đó, tập trung vào các quy định về tiêu chuẩn trở thành luật sư; điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; nghĩa vụ luật sư; thủ tục tham gia tố tụng của luật sư; mở rộng đối tượng được hành nghề luật sư; địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam; điều kiện và phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài, tổ chức luật sư nước ngoài ở nước ta…
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ, tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên đủ điều kiện trình QH cho ý kiến. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát thực tiễn thi hành Luật để báo cáo đầy đủ, toàn diện, khách quan về những vướng mắc, bất cập trong thực tế. Ngoài ra, do một số nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án luật có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật tố tụng nên cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm sự thống nhất với các quy định có liên quan của pháp luật tố tụng. Về điều kiện được miễn đào tạo nghề, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí cần thiết phải quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo. Nhưng, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, các thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp và điều tra viên trước khi được bổ nhiệm vào những chức danh này đều phải học tập tại trường đào tạo chức danh tư pháp. Do vậy, đối với người từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì nên giữ như quy định hiện hành. Đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần xem xét việc miễn đào tạo nghề luật sư với thừa phát lại do đây chưa phải là chức danh tư pháp chính thức. Mô hình này hiện đang được thực hiện thí điểm theo một văn bản do Chính phủ ban hành và chưa tổng kết quá trình thực thi.
Về quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật vẫn thuộc diện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, định hướng phát triển nhanh đội ngũ luật sư gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng, trong đó có yêu cầu chuyên nghiệp hóa cao đội ngũ luật sư. Việc quy định cho phép lực lượng viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiệm nhiệm hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Quy định này có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định lại nội dung này trong dự thảo Luật. Không đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế chỉ có khoảng 21% vụ án hình sự, 6% vụ án dân sự có luật sư tham gia trong quá trình tranh tụng tại tòa án. Như vậy, khả năng tự bảo vệ mình của người bị xét xử tại tòa án liệu có được bảo đảm hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, trong khi lực lượng luật sư chưa đủ để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn thì nên cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề này. Hơn nữa, kinh nghiệm tham gia tranh tụng tại phiên xét xử của tòa án sẽ giúp đội ngũ viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật nâng cao chất lượng đào tạo chức danh tư pháp. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, hiện nay để hành nghề luật sư, điều tra viên hay kiểm sát viên, người học tại các trường đào tạo chức danh tư pháp đều phải qua một thời gian đào tạo kỹ năng mới được cấp Chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, kiến thức pháp luật mới là nền tảng bước đầu, người hành nghề luật sư cần có kiến thức tổng hợp về xã hội, kinh tế, tâm lý… Bởi vậy, việc cho phép viên chức giảng dạy pháp luật tham gia tranh tụng tại tòa chưa thể bảo đảm sẽ đáp ứng đòi hỏi của thực tế, cũng như chưa thể góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư.