Toàn cảnh Phiên họp
Tạo cơ sở pháp lý thống nhất
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, các bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm; thực hiện tốt chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội; công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự ngày càng được tăng cường; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn từ Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, từng bước chuyên môn hóa.
Cùng với những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an
Từ những lý do trên, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều, quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong đó trại giam thuộc Bộ Công an hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như tại trại giam. Tổ chức, cá nhân có ngành nghề lao động chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, số trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an; Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc như: bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù; phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, được trả công, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;…
Tán thành nhiều nội dung tại dự thảo Nghị quyết
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Uỷ ban tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. “Việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.”, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.
Về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.
Về hồ sơ dự án Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp đánh giá hồ sơ được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc và công phu. Hồ sơ có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, các báo cáo kèm theo và dự thảo văn bản quy định chi tiết. Do đó, hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.
Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, Uỷ ban Tư pháp tán thành với với Chính phủ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, trong đó đã xác định rõ mô hình thí điểm, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện thí điểm. Đồng thời, quy định đối tượng áp dụng thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện sẽ bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại các trại giam.
Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, Ủy ban Tư pháp cho rằng về cơ bản nội dung quy định này đã bao quát đầy đủ quan điểm chỉ đạo cũng như các yêu cầu đặt ra trong việc thí điểm, phù hợp với các luật và điều ước quốc tế liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, đa số ý kiến Ủy ban tán thành với chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam. Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị rà soát kỹ quy định nguyên tắc các trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; quy định cụ thể hiệu lực ngay trong Nghị quyết để Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm thống nhất quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;…
Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hồ sơ dự án Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng. Hồ sơ có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, các báo cáo kèm theo và dự thảo văn bản quy định chi tiết; Nghị quyết trình theo thủ tục tại 1 kỳ họp Quốc hội là hoàn toàn khả thi; Nghị quyết cần ghi khái quát, ngắn gọn có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết;…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản theo quy định của pháp luật. Trong đó, lưu ý cách thức sử dụng thuật ngữ trong quy định về chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam đảm bảo sáng rõ; cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam trong thời gian thực hiện thí điểm được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác với trại giam; tại điểm a, Khoản 4 của dự thảo Nghị quyết cần quy định chi tiết không quy định dẫn chiếu;…
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Các ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới. Đồng thời, đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu cũng tán thành với cách thức tiếp cận trong xây dựng dự thảo Nghị quyết; phạm vi, đối tượng áp dụng của Nghị quyết (không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an); thời hạn thực hiện thí điểm là 5 năm; về các nguyên tắc thực hiện thí điểm;… Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung liên quan đến nguyên tắc phân bổ; xác định cụ thể nguyên tắc hợp tác giữa trại giam và doanh nghiệp; chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam (điểm d khoản 3 Điều 1); rà soát quy định cụ thể các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; quy định cụ thể hiệu lực ngay trong Nghị quyết để Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm thống nhất quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tối thiểu là 45 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua);…
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn và cơ quan thẩm tra trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Nghị quyết, thẩm tra Nghị quyết. Nhấn mạnh hồ sơ dự án Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc và công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phạm vi, đối tượng điều chỉnh trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra. Theo đó, thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong đó phạm vi thí điểm là không quá 1/3 tổng số trại giam của Bộ Công an quản lý; thời gian thí điểm là 5 năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tính chất là một Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, cho nên Nghị quyết cần ghi khái quát, ngắn gọn, có tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, cũng lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp nghiên cứu bổ sung phạm vi về ngành nghề thực hiện thí điểm; phạm vi thí điểm ngành nghề giao cho Chính phủ lựa chọn các ngành nghề phù hợp.
Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về 4 nguyên tắc, trong đó thống nhất quy định về cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam trong thời gian thực hiện thí điểm được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác với trại giam.
Về các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần có quy định các trường hợp không được đưa phạm nhân ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng các quy định này để bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu xây dựng cơ chế thí điểm và thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo về kỹ thuật văn bản (quy định cụ thể thay vì phải dẫn chiếu các điều khoản, điểm); về thời gian có hiệu lực;…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình 1 kỳ họp vào tháng 5/1022. Trong quá trình hoàn thiện, đề nghị hoàn thiện cả về nội dung, cả về kỹ thuật văn bản. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và dự thảo Nghị định lấy ý kiến các cơ quan có liên quan; Đề nghị Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Pháp luật giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị nội dung để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội về dự án Nghị quyết này./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ căn cứ, tiêu chí, điều kiện lựa chọn đối tượng áp dụng thí điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá thêm về số lượng phạm nhân trình độ cao, việc áp dụng cho đối tượng này hoạt động lao động ngoài trại giam,...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp tham gia, bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm thì cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi, trong đó có cơ chế miễn thuế thu nhập.
Đại diện Bộ Tài chính tham gia ý kiến tại phiên họp về chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam (điểm d khoản 3 Điều 1)
Đại diện Bộ Tư pháp tham gia ý kiến tại phiên họp về nguyên tắc thực hiện thí điểm tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi bên lề về nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn và cơ quan thẩm tra trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Nghị quyết, thẩm tra Nghị quyết. Nhấn mạnh hồ sơ dự án Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc và công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.