THỐNG NHẤT TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP. CẦN THƠ TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

21/12/2021

Chiều 21/12, tại Nhà Quốc hội, thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 6 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nêu rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đồng thời, khẳng định, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.        

Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, tính hệ thống của pháp luật; phù hợp phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 59-NQ/TW; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết. Đồng thời, chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Thành phố và bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước;….

Về nội dung Dự thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết tập trung quy định về: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; Quản lý đất đai; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ; Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Theo dự thảo Nghị quyết, về quản lý tài chính ngân sách nhà nước, đối với mức dư nợ vay, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;...

Đối với việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, theo đề xuất của Chính phủ, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư;….Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về thẩm quyền ban hành, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đúng thẩm quyền; Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết cơ bản cũng đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, chi tiết hơn.

Về phạm vi chính sách trong Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của UBTVQH, các cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đảm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù; phù hợp với Nghị quyết 59, một số chính sách mới đề xuất nhìn chung phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, song còn có điểm cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính cụ thể, thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Đồng tình với nhiều nội dung đề xuất về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước tại Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đề xuất cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, nhằm góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa.

Về quản lý đất đai, quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giữ nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, vì vậy, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cần được cân nhắc thận trọng hơn so với các địa phương khác vừa có cơ chế đặc thù. Theo đó, ngoài việc quy định rõ việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của người phân và được phân cấp để bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, tại Thông báo Kết luận số 558/TB-TTKQH của UBTVQH nêu rõ: Việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm chỉ được áp dụng trong trường hợp thành phố Cần Thơ tự thực sự cân đối được ngân sách. Do vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉnh sửa lại Dự thảo Nghị quyết phù hợp với Kết luận của UBTVQH.

Về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải. Đối với việc xây dựng đề án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách có 2 luồng ý kiến: (1) cần thể hiện rõ trong Nghị quyết việc Quốc hội nhất trí chủ trương khuyến khích thực hiện xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; (2) đề nghị không quy định việc xây dựng Đề án trong Dự thảo Nghị quyết.

Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ (Trung tâm), Dự Thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa nhiều nội dung theo Kết luận của UBTVQH như về tên gọi, làm rõ mô hình, thu hẹp ưu đãi… Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bao quát, chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách, cần rà soát thận trọng các quy định trong Dự thảo Nghị quyết, đồng thời quy định cụ thể các nội dung: Việc ưu đãi về thủ tục hải quan chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sản xuất hoặc chế biến tại Trung tâm, không phải là “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Trung tâm” như Dự thảo Nghị quyết; Việc ưu đãi thuế chỉ áp dụng đối với hàng hóa được sản xuất hoặc chế biến tại Trung tâm; Cần có quy định về chính sách ưu đãi đối với đầu tư hạ tầng trong Trung tâm;…

Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình lần này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hồ sơ và Tờ trình của Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của UBTVQH tại đợt 1 và Thông  báo Kết luận 558 của Tổng Thư ký Quốc hội về các nội dung đối với đến 2 chính sách mới, đặc thù liên quan đến đồng bằng Sông Cửu Long quy định tại điều 7 (Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ) và điều 8 (Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ) của dự thảo Nghị quyết.

Cơ bản tán thành với Dự thảo Nghị Quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Dự thảo đã hoàn thiện 1 bước đáp ứng nhiều yêu cầu của UBTVHQ đặt ra. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến để bổ sung thông tin trong Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Trong đó, lưu ý một số vấn đề như: Đánh giá tác động, các vấn đề liên quan đến quy trình thực hiện dự án; Đối với nội dung cụ thể tại Điều 7 và Điều 8 đề nghị làm rõ thêm quy định về các hoạt động dự án đầu tư được hưởng các ưu đãi; Về ưu đãi thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước;..

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng 

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ý kiến của Thường trực Ủy ban và ý kiến tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học đều ủng hộ việc nạo vét luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Tuy nhiên, nạo vét như thế nào, ở đâu, khối lượng bao nhiêu, quy trình thực hiện ra sao là những nội dung đề nghị Chính phủ cần quan tâm làm rõ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị nên thể hiện trong Nghị quyết và giao cho Chính phủ xây dựng đề án đánh giá tác động về môi trường. Trong đó, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề về: sụt lún, sạt lở khi nạo vét và vấn đề nhấn chìm. Ngoài ra, cũng cần đặc  biệt lưu ý thực hiện đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường và đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh đảm bảo việc triển khai phải thiết thực, hiệu quả và chống lãng phí.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao việc hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung giải quyết, làm rõ 2 nội dung chính sách mới về: Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. “Đây là hai nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Cần Thơ và có ý nghĩa lan tỏa đối với cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung bởi Cần Thơ là đầu mối, thủ phủ của cả vùng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Chính phủ đã giải trình rất kỹ lưỡng, tương đối rõ ràng các nội dung tại Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, phạm vi áp dụng, mức ưu đãi,.. đã được quy định rõ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích, làm rõ băn khoăn của một số đại biểu liên quan đến thời hạn áp dụng ưu đãi. Đồng thời, lưu ý Chính phủ trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa lại một số nội dung về: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước thì giới hạn như thế nào?; làm rõ mục đích thuê mặt nước; …

Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất Hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại phiên họp bất thường theo trình tự thủ tục rút gọn. Đồng thời, thống nhất đề nghị UBTVQH cho phép thành phố Cần Thơ được áp dụng thí điểm 7 cơ chế chính sách, đặc thù tuy nhiên cần hoàn thiện một số nội dung trước khi trình Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ cần hoàn thiện 6 nhóm chính sách về các quy định về áp dụng pháp luật, về hiệu lực thi hành Nghị quyết theo đúng Kết luận của UBTVQH tại Thông báo số số 558; lưu ý nguồn sử dụng cải cách tiền lương, thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện khi thành phố Cần Thơ tự cân đối ngân sách.

Đối với việc thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các chính sách ưu đãi cho Trung tâm như Chính phủ trình; Đề nghị thuyết minh thêm các căn cứ để xây dựng, vận hành và hoạt động Trung tâm khi Quốc hội cho phép Chính phủ thành lập. Về mô hình Trung tâm như Chính phủ đề xuất đồng thời bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết một số quy định để đảm bảo việc thành lập Trung tâm phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy định pháp luật có liên quan,…. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng cần quy định cụ thể việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho Trung tâm khi hết thời hạn 5 năm thực hiện thí điểm.

Về nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, đồng ý chủ trương áp dụng cơ chế về một số ưu đãi giống như Chính phủ trình và đề nghị có nghiên cứu thêm các ý kiến tại Phiên họp; Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng đồng bằng Sông Cửu Long; đánh giá tính khả thi chính sách và đánh giá đầy đủ mặt tác động khi tiến hành nạo vét dự án, nhất là tác động đến môi trường, trách nhiệm của Bộ giao thông vận tải, các địa phương khác có liên quan; đánh giá việc thực hiện đầu tư mới luồng Định An - Cần Thơ; Thời hạn ưu tiên thống nhất như Chính phủ trình là 5 năm;…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ lưu ý thêm một số vấn đề liên quan đến việc cụ thể hóa thêm về tiền thuê mặt đất, mặt nước và các vấn đề có liên quan khác,.. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra; Uỷ ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết  định tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh - Minh Hùng

Các bài viết khác