ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI: THỐNG NHẤT TRÌNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC-NAM PHÍA ĐÔNG TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG QUỐC HỘI KHOÁ XV

10/12/2021

Tiếp tục Phiên họp thứ 6, sáng ngày 10/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

 

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần (gồm 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công). Trong quá trình thực hiện, do khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư, huy động vốn tín dụng, với mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công.


Toàn cảnh Phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước: kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách... Có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.

Trên hành lang vận tải Bắc - Nam, nhu cầu vận tải được phân bổ cho cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không), kết cấu hạ tầng của 5 phương thức này đã và đang được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải. Trong đó, do tính linh hoạt cao, đóng vai trò kết nối cho tất cả các phương thức vận tải khác và rất lợi thế đối với vận tải cự ly ngắn và trung bình... nên đường bộ vẫn là hình thức vận tải phổ biến và luôn chiếm thị phần lớn nhất. Trong hệ thống đường bộ, đường bộ cao tốc là công trình hiện đại, năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, là công trình có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, nếu không kịp thời đầu tư các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại. Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước theo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục. Những năm vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năng lực hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện để phát triển kinh tế kinh tế - xã hội cho các địa phương.


 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Trên hành lang vận tải Bắc - Nam, tuyến Quốc lộ 1 đã được mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên kết nối xuống miền Đông Nam Bộ đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, ngay từ bước chủ trương đầu tư đã xác định việc mở rộng Quốc lộ 1 chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt. Với đặc điểm đi qua nhiều khu đông dân cư (chiếm khoảng 48,7% tổng chiều dài), lưu thông hỗn hợp với các phương tiện thô sơ, chủ yếu là giao cắt cùng mức, tốc độ khai thác trung bình khoảng 40 - 60 km/h... nên Quốc lộ 1 chỉ có ưu thế vận tải với cự ly ngắn, tính chất nội vùng. Do vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.

Thay mặt cơ quan Thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án thuộc các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng quy định.

Với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan: Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được quyết định, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch.

Về quy mô đầu tư: Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án theo quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh (đối với quy mô 4 làn xe mặt đường là 24,75m, sẽ bao gồm 4 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp và đối với quy mô 6 làn xe mặt đường là 32,25m, sẽ bao gồm 6 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp). Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80 – 120km/h cho tất cả các đoạn của Dự án. Việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp). Hơn nữa, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Thực tế, hiện nay đa số các tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 02 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100km/h trở lên.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư Dự án nhưng với quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80km/h. Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau. Do vậy, đề nghị trong giai đoạn này cần cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m, đây cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính: Một số ý kiến đề nghị cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của Dự án; rà soát kỹ lưỡng để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu, lưu ý các khu vực quốc phòng an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia; bổ sung các giải pháp tránh gây ngập úng, ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ; bố trí các đường gom, hầm chui dân sinh hợp lý. Một số ý kiến đề nghị cần áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến, phương án thiết kế cầu, hầm... để tối ưu hóa hướng tuyến của Dự án; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần thuộc Dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung giải trình làm rõ những vấn đề trên.

Về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB): Thực tiễn triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sau khi xác định được phạm vi GPMB của Dự án đã tách công tác GPMB thành các dự án vận hành độc lập và giao chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ GPMB phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình triển khai các bước tiếp theo Chính phủ khẩn trương tổng kết kinh nghiệm giai đoạn trước và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng.

Về hình thức đầu tư: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập nêu trên vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tiến độ cho Dự án là có cơ sở.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho rất nhiều các dự án giao thông đường bộ sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Dự án. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT thời gian qua.

Tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án

Tại Phiên thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và tập trung cho ý kiến về các giải pháp để triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả nhất; bảo đảm về tiến độ, chất lượng dự án cũng như ổn định của hệ thống quy hoạch dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch có liên quan.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên thảo luận.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Cho rằng đây là dự án trọng điểm và nằm trong gói kích thích nền kinh tế nên Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội  và cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở các quy định hiện hành để tổ chức thực hiện cho hiệu quả.

Trong việc thực hiện dự án, nếu thẩm quyền nào của Chính phủ thì Chính phủ sẽ quyết định. Khi quyết định chủ trương đầu tư mà xem xét cả chủ đầu tư dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ đề xuất, Hội đồng thẩm định dự án và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương là giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án. Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng và muốn triển khai nhanh, chỉ đạo tập trung thống nhất thì việc giao cho Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án là hợp lý.

Để triển khai dự án đúng tiến độ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án. Ngoài việc hoàn thiện hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần lường hết các ý kiến của các đại biểu, có báo cáo tiếp thu giải trình, thống nhất giữa hồ sơ trình và thẩm tra đối với dự án. Khi có thảo luận ở Tổ, sau khi thảo luận ở Hội trường, Bộ Giao thông Vận tải cũng phải có báo cáo giải trình ngay và phối hợp với cơ quan thẩm tra chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, ý kiến báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án.


 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.

Đồng tình với sự cần thiết của dự án đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Để góp phần giải quyết được những hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội thì việc tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các vùng là cần thiết.

Cơ bản thống nhất 09 nội dung Ủy ban Kinh tế thẩm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, có 04 nội dung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trao đổi, báo cáo thêm.

Thứ nhất, cần làm rõ việc dự án này sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục được trong thời gian qua vì trong Tờ trình hiện nay chưa rõ điểm này.

Thứ hai, dự án hiện đã bổ sung, điều chỉnh 10 tuyến, chiều dài mạng tăng từ 6.411 km lên 9.014 km, cơ quan chủ trì có khẳng định được việc đã bao quát tính tổng thể dự án, đã bảo đảm sự hợp lý, khoa học, đồng bộ, hiệu quả của các hướng tuyến đã chọn, sự kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc khác trong mạng lưới chưa?

Thứ ba, đối với các tuyến vành đai, trục hướng tâm các đô thị lớn, các trục ngang kết nối các cửa khẩu với cảng biển; các tuyến kết nối với nhà ga, cảng hàng không, các trung tâm logistics... là những yếu tố để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn phương án về phạm vi, quy mô đầu tư, giải phòng mặt bằng, tái định cư, hình thức đầu tư, thời gian thực hiện dự án. Chính phủ dự kiến 3 năm để khởi công và 3 năm để thi công. Như vậy, tính hiệu quả của dự án cần xem lại và điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ tư, nước ta có hệ thống sông ngòi, biển dày đặc, vận tải đường thủy được nhiều với số lượng lớn, chi phí đầu tư hợp lý. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nên quan tâm song song mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy cần được phát triển đồng bộ, để kết nối đan xen trong vùng, liên vùng trong nước và quốc tế…

Về đề xuất cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án, trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Quốc hội đưa ra ngày 26/11, Chính phủ đã có sự tiếp thu bước đầu. Tuy  nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hợp lý nhất để làm cơ sở Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định; đồng thời lưu ý phương án đề xuất phải bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng, không làm phát sinh chi phí đầu tư.

Về 02 kiến nghị của Chính phủ trong Tờ trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản đồng tình nhưng có yêu cầu:

Thứ nhất, cụ thể hoá hơn trong việc gắn trách nhiệm, chế tài đối với các cơ quan có liên quan của Trung ương và địa phương trong việc triển khai để bảo đảm về tiến độ, chất lượng.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch Dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch có liên quan.

Thứ ba, đặc biệt chú ý giải pháp phân cấp địa phương trách nhiệm chỉ đạo, điều hành giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc vận động, thuyết phục, dân vận khéo, tạo đồng thuận trong dân, tiến độ dự án sẽ đạt được dựa trên sự đoàn kết, nêu gương tự nguyện, tiên phong hiến đất làm đường từ cán bộ, đảng viên, nhân dân...

Cũng tại Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về tiến độ hoàn thiện dự án, nguồn vốn đầu tư; phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả ngân sách Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng ở bước nghiên cứu khả thi của dự án.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải Phát biểu kết luận Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tại Phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến, đề xuất vào các nội dung:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay và lưu ý một số vấn đề sau:

Nghiên cứu, cân nhắc thêm phương án đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe = 24,75m so với qui mô 4 làn xe =17m để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác và mở rộng giai đoạn sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ – Cà Mau.

Tiếp tục rà soát, tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái; đồng thời bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho Dự án.

Giao Bộ Giao thông Vận tải quản lý, đầu tư dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Đây là cơ chế hiện nay đang thực hiện, cơ bản không có vướng mắc. Nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, khó bảo đảm chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện Dự án, đặc biệt đây là dự án quan trọng quốc gia đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi thi công đồng bộ, thống nhất nên cần quản lý tập trung, thống nhất.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công nhưng đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để  ưu tiên vốn của Chương trình phục hồi cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023; đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2024 - 2025.        

Thống nhất trình Quốc hội quyết định việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung, làm rõ thẩm quyền đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu hướng tuyến và các điều kiện khác để đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa tối ưu nhất. Đồng thời diện tích đất phải thu hồi cho Dự án rất lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều nên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai minh bạch, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có phương án thu hồi vốn khả thi khi đưa dự án vào khai thác sử dụng để tạo nguồn trả nợ, nguồn duy tu, sửa chữa lớn và nguồn đầu tư các công trình khác; có các giải pháp để xử lý những những khó khăn, vướng mắc, không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải, các điều kiện đảm bảo khác để hoàn thành dự án chất lượng, đúng tiến độ.

Thứ 3, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV./.

Bích Lan-Nghĩa Đức