Tham dự Phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương, cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ các Vụ, Viện và cơ quan có liên quan.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hồ sợ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2 và thống nhất bổ sung 3 dự thảo Nghị quyết này vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Tại Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì nội dung Phiên họp thứ 4 chiều ngày 11/10.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày các Báo cáo tóm tắt thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đề cập đến Thừa Thiên Huế, với định hướng phát triển thành phố di sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là điểm độc đáo và sáng tạo của Thừa Thiên Huế, cần đặt vấn đề nghiên cứu: Thế nào là thành phố di sản? Để trở thành thành phố di sản, Thừa Thiên Huế cần làm gì?
Liên quan đến việc thành lập Khu kinh tế thương mại tự do, xây dựng, phát triển Hải Phòng thành thành phố đi đầu cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cữu kỹ lưỡng vấn đề này, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị xem xét, quyết về chủ trương trước, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, đa số đại biểu tập trung cho ý kiến về Khu thương mại tự do, và nhận thấy, đề xuất của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến tại phiên họp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên họp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biệu tại phiên họp
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại phiên họp.
Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 với 3 Nghị quyết này.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội gửi đến các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.