Tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” (Đoàn giám sát) và Nghị quyết số 275/NQ-UBTVQH15 ngày 23/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát, Đoàn giám sát dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát.
Toàn cảnh Phiên thảo luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường cũng cho biết việc xác định:
Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; Doanh nghiệp nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phạm vi giám sát bao gồm: Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công (không giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân) từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung 5 lĩnh vực, gồm: Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Đối với từng lĩnh vực cụ thể, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.
Việc tổ chức thực hiện gồm: Phân công trách nhiệm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, cơ quan thường trực Đoàn giám sát; Văn phòng Quốc hội; trách nhiệm phối hợp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội trong tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.
Tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về tính khả thi của Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; việc thống nhất với 5 lĩnh vực được đưa ra giám sát.
Đóng góp ý kiến vào Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Kế hoạch và đề xuất một số vấn đề, lĩnh vực trọng tâm để đoàn giám sát thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thống nhất với phạm vi nội dung giám sát tập trung 5 lĩnh vực vì phù hợp với quỹ thời gian, đủ nguồn lực và để cho hoạt động giám sát được chất lượng. Đối với giám sát Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nên tập trung giám sát vào việc sắp xếp tinh gọn, quản lý bộ máy ở các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các cấp; xem xét việc tổ chức bộ máy của các cơ quan đã được sắp xếp khoa học và đảm bảo tinh gọn đầu mối quản lý, giảm được chi thường xuyên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.
Đề cập đến việc thực hành tiết kiệm đối với quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, trong việc quản lý đã có những quy định pháp luật cụ thể. Tuy nhiên, cơ quan của Quốc hội, đoàn giám sát nên có đề cương chi tiết về lĩnh vực thực hành tiết kiệm đối với quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cụ thể, tổng hợp về lĩnh này được tốt hơn.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là chuyên đề nhận được mong muốn, kỳ vọng của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tiết kiệm, chống lãng phí cùng với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là “hai mũi giáp công”, giải quyết được những tồn tại của việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cho phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, đề nghị các đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm để báo cáo kết quả chính xác, khách quan với cử tri và nhân dân cả nước.
Để thực hiện công tác giảm sát về nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực được khách quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các đoàn giám sát nên có giám sát tổng quát kết hợp với giám sát chi tiết một số lĩnh vực. Ví dụ như trong giám sát về Quản lý, sử dụng lao động nên căn cứ vào báo cáo tổng quát về lĩnh vực này và cả theo báo cáo về tinh giản bộ máy, biên chế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên thảo luận.
Phạm vi giám sát khoanh lại ở lĩnh vực công, tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 5 lĩnh vực như dự thảo gồm quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; vốn Nhà nước khác; tài sản Nhà nước; lao động, thời gian lao động và tài nguyên là rất rộng. Do đó, việc xác định trọng điểm là về nhân lực, vật lực hay tài lực thì cần tính toán.
Với nhân lực, hiện nay khối công chức của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ quỹ lương hàng năm không lớn nhưng xác định biên chế sự nghiệp thế nào để tiết kiệm lại là một vấn đề khó, chưa thống nhất cao về nhận thức cũng như tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương phát triển, xã hội hoá tốt có khi không cần nhiều biên chế sự nghiệp. Song những đô thị khác cũng cần tăng cường xã hội hoá hơn nữa để dành biên chế cho nơi khó khăn. Có địa phương dành được nhiều ngân sách cho chi đầu tư phát triển, có địa phương lại chi thường xuyên lớn hơn. Vì vậy, các đoàn giám sát cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan chỉ rõ hơn được nơi nào cần nhân lực thực sự, nơi nào cần tinh giản để tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên.
Về lĩnh vực Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đoàn giám sát cần làm rõ về việc cả nước có bao nhiêu đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất, sử dụng không đúng mục đích. Việc quản lý sử dụng đất nông, lâm trường cũng cần công bố rõ vì thực tế đã từng giám sát, tái giám sát. Đất nông nghiệp có tổng diện tích hoang hoá, chưa sử dụng là bao nhiêu để có giải pháp khai thác, quản lý sử, dụng hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý nội dung giám sát cũng nên tập trung vào đầu tư công, sử dụng ngân sách vì chi cho họp hành, lễ tân, đi nước ngoài vẫn còn lãng phí; công trình, dự án xây dựng dở dang kéo dài. Đoàn giám sát phải nêu rõ được có bao nhiêu “dự án treo” nằm ở đâu, địa chỉ của ai và thực hiện quy định pháp luật thế nào, phải yêu cầu địa phương báo cáo kỹ rồi kiểm tra chéo sao cho chính xác, khách quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận Phiên thảo luận.
Kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là chuyên đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm; phạm vi phức tạp, rộng lớn với những yêu cầu giám sát cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự chuẩn bị của đoàn giám sát và và lưu ý nên có sự tập trung vào những nội dung, phạm vi giám sát trọng tâm, trọng điểm. Về phương thức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như đã quy định trong Báo cáo và lưu ý đoàn giám sát tập trung vào Báo cáo kết quả của Chính phủ, cơ quan Kiểm toán, Thanh tra và các ngành đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ góp ý sớm đối với các nội dung trọng tâm; phân tích đánh giá kết quả kiểm toán trong 5 năm qua để có báo cáo phù hợp với nội dung của giám sát. Bên cạnh đó, cần bổ sung chuyên đề kiểm toán, thanh tra để phục vụ cho đoàn giám sát thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.