• Phiên họp thứ 23
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH THI HÀNH HIẾN PHÁP, LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

    13/09/2021

    Thực hiện chương trình phiên họp thứ 3, chiều 13/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021.

     

    Toàn cảnh Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Tham dự Phiên họp còn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và một số cơ quan đại diện Chính phủ, đại diện cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội….

    Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo số 310/BC-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2021.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được coi trọng. Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các Bộ, ngành, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

    Về tên gọi, phạm vi và bố cục của Báo cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phần tên gọi của Báo cáo chưa thể hiện đúng yêu cầu báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Luật Giám sát) mới chỉ nêu yêu cầu báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp. Đối với các yêu cầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 67, đề nghị Báo cáo cần phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết hằng năm theo quy định của Luật Giám sát, đồng thời có những đánh giá đi vào chiều sâu theo yêu cầu của Nghị quyết số 67.

    Về công tác chỉ đạo, điều hành, năm 2021, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đổi mới để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá cụ thể hơn những đổi mới này, bảo đảm yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

    Đề cập đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn và hướng dẫn áp dụng pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần thực hiện có trọng tâm, lựa chọn hình thức và phương pháp phù hợp với địa bàn, đối tượng, tình hình, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay như hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; đề nghị nghiên cứu có cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phổ biến, tuyên truyền một số đạo luật lớn, quan trọng, có nội dung phức tạp, được dư luận và Nhân dân quan tâm.

    Liên quan đến việc tuân thủ quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ứng phó với tình hình dịch COVID-19 thời gian qua ở một số địa phương còn chưa kịp thời... do vậy, Báo cáo nên bổ sung đánh giá cụ thể hơn về việc tuân thủ tính kịp thời, đầy đủ trong tổ chức triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua trong năm 2020 - 2021 của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.

    Về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong năm qua, mặc dù thời gian tính số liệu văn bản quy định chi tiết được ban hành của năm 2021 ngắn hơn so với năm 2020 nhưng số văn bản được ban hành lại nhiều hơn là 15 văn bản; số văn bản nợ cũng có xu hướng giảm dần qua các năm và giảm tích cực hơn so với năm 2020, tuy nhiên tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.

    Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo của Chính phủ về hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân của hạn chế, bất cập được đề cập trong Báo cáo, tuy nhiên cần đánh giá sâu sắc, khách quan một số nguyên nhân nêu trong Báo cáo; Đồng thời cơ bản nhất trí với 04 nhiệm vụ, 06 giải pháp lớn và 02 nhóm kiến nghị được Chính phủ đề ra.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

    Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có sự thống nhất về cách thức thẩm tra như thế nào để tránh nhắc lại nội dung của những khóa trước, đồng thời tập trung vào báo cáo có liên quan đến Nghị quyết cụ thể, đạo luật cụ thể... Như vậy, báo cáo sẽ có tính hữu ích cao hơn và có tính đồng thuận.

    Đề cập Báo cáo của Chính phủ về kiểm tra theo thẩm quyền, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với những văn bản chưa đúng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ, có sự đánh giá tác động đối với lĩnh vực đó ra sao, nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đồng thời cũng cần nêu rõ một số tiêu chuẩn, đánh giá, xếp loại, bộ ngành nào ban hành đúng thời hạn, ban hành nhanh, bộ, ngành nào là điển hình tiên tiến, chỗ nào còn chậm....

    Liên quan đến Nghị quyết về cơ chế đặc thù của một số tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương.

    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tại phiên họp.

    Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của Phó Chủ tịch Quốc hội là cần bổ sung thêm, làm rõ hơn về các Nghị quyết cơ chế đặc thù của một số tỉnh, thành phố cũng như giải trình, làm rõ hơn một số lĩnh vực chuyên ngành. Về công tác kiểm tra văn bản, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết: Bộ Tư pháp đã tập hợp từ các địa phương và những vấn đề theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp, đồng thời ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp.

    Giải trình nội dung thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, với tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra trong việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra kỹ lưỡng, sâu hơn và cụ thể hơn, tập trung bám sát những tiêu chí mà Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như Nghị quyết số 672013/QH13 đã yêu cầu. Do vậy, Ủy ban Pháp luật đã đặt ra một số vấn đề mà những kỳ họp trước đây không nêu nhưng không vượt ra ngoài phạm vi các tiêu chí này.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận tại phiên họp.

    Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua xem xét báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ trong năm qua (từ 1/10/2020 đến hết tháng 8/2021). Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tổng kết cuối nhiệm kỳ khóa XIV, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác tổ chức, thi hành pháp luật đã đặt ra nhiều yêu cầu mới khác các năm trước. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, đồng hành chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết trong năm qua được Chính phủ, các bộ ngành phối hợp thực hiện tốt, nghiêm túc, có hiệu quả, có nhiều điểm mới như trong vấn đề cụ thể Hiến pháp, xây dựng trình các đạo luật, phổ biến tuyên truyền pháp luật, trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và kiểm tra thi hành văn bản, giám sát ban hành văn bản. Đặc biệt việc tổ chức, thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã góp phần quan trọng vào cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Việc tổ chức, thi hành Luật Văn bản quy phạm pháp luật cũng có nhiều điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật. Có thể nói, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến tốt trên nhiều mặt như trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Chính phủ, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan giám sát việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tổ chức, thi hành pháp luật và xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia cùng với Ủy ban Pháp luật, có các báo cáo thẩm tra về việc thực hiện công tác tổ chức, thi hành pháp luật của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, năm nay, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật dài và có nhiều nội dung, có số liệu và phong phú hơn, một phần là do có sự tham gia của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm qua trong việc thực hiện, tổ chức, thi hành pháp luật, đồng tình với các nội dung và kiến nghị của Chính phủ đã nêu.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản để kịp thời phát hiện và sớm có biện pháp khắc phục đối với những văn bản pháp luật ban hành mà nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

    Về bố cục của báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sau phiên họp Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp thống nhất đề cương trình bày, đảm bảo tính thống nhất. Thời gian tới, đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp cùng với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, VKSNDTC, TANDTC rà soát lại việc thực hiện Nghị quyết 67/2013/QH13 để có cách làm hợp lý, đảm bảo công tác thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.

    Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Ủy ban Pháp luật thảo luận với Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ để báo cáo tập trung vào các vấn đề trọng tâm, đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV về tình hình thực hiện Nghị quyết đặc thù của một số địa phương và các cơ chế, chính sách đặc thù một số ngành, lĩnh vực như Nghị quyết của Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Hà Nội, Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc tài chính của Vietnam Airlines... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Quốc hội ban hành Nghị quyết nào thì đề xuất Nghị quyết đó, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới./.

    Bích Ngọc