ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý VỀ BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV

13/07/2021

Sáng 13/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 58, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước (từ sau Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đến nay) thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và qua nắm bắt tình hình Nhân dân của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận.

Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV phán ánh cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức thành công cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%. Cử tri và Nhân dân mong muốn các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sau khi trúng cử cần thường xuyên liên hệ, tiếp xúc, gắn bó với cử tri và Nhân dân; thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện đúng chương trình hành động đã báo cáo trước cử tri; lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh trung thực với Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình hành động cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; kiện toàn, sắp xếp các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước. Mong muốn Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách; xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước thật sự tinh gọn, không chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có biện pháp kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền"; loại bỏ ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất.

Cử tri và Nhân dân cảm nhận sâu sắc thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân. Đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm đề ra và thực hiện quyết liệt các biện pháp "5K + vắc-xin". Việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 đã thu hút được sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài. Cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, biết ơn những nỗ lực, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, nhất là của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên ngành y tế, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở và các lực lượng khác.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 góp phần duy trì, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho Nhân dân.  

Ngoài ra, báo cáo cũng tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân theo các nhóm vấn đề về phát triển kinh tế; an sinh xã hội; văn hóa - xã hội; thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo; quốc phòng và an ninh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 nội dung. Theo đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó "máu thịt" với Nhân dân: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ. Đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sớm có đề án tổng thể và nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với nền kinh tế số. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để sớm ban hành các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; kịp thời bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đủ mạnh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Đóng góp ý kiến về nội dung báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng báo cáo cần gắn với nội dung của Kỳ họp thứ Nhất, cần nhấn mạnh thêm tính chính trị, tư tưởng chung của toàn dân tin tưởng vào đường lối của Đảng đề ra tại Đại hội lần thứ XIII, phương hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới, bộ máy mới nhiệm kỳ mới phải phát huy những gì đã đạt được và khắc phục hạn chế vừa qua.

Về các nhóm ý kiến  cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị viết cô đọng, bao quát các nội dung; trong đó nhấn mạnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và làm rõ sự đánh giá cao của Nhân dân và bày tỏ lòng tin với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh. Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh được nhiệm kỳ qua đạt được nhiều kết quả tích cực, mong muốn bước vào nhiệm kỳ mới khẩn trương thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, vừa cụ thể hóa từng năm, phấn đấu phục hồi phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống. Đồng thời, bổ sung thêm ý kiến cử tri và Nhân dân mong muốn Quốc hội khóa mới bầu chọn được những người xứng đáng giữ vị trí quan trọng trong Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và các nhóm ý kiến về các vấn đề an sinh xã hội, văn hóa xã hội, dân tộc tôn giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị báo cáo cần phản ánh được tinh thần của cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử và công tác phòng chống dịch COVID-19. Cùng với đó những nội dung kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần sát hợp, các nhóm ý kiến cần chắt lọc để bảo đảm thời gian trình bày và tránh trùng lắp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Đây là báo cáo định kỳ được trình bày trước Quốc hội, do đó cần cố gắng tổng hợp trung thực, đầy đủ, chắt lọc các ý kiến có được qua tiếp xúc vận động bầu cử, dư luận của Nhân dân qua các kênh của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên; lưu ý phân loại được các nhóm ý kiến, ý kiến đa số và ý kiến khác. Trong đó phản ánh được đánh giá của cử tri và Nhân dân về cuộc bầu cử vừa qua, việc kiện toàn nhân sự ở các cấp chính quyền địa phương và trung ương; vấn đề phòng chống dịch bệnh, việc ban hành và triển khai các nhóm chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, về chiến lược vắc –xin; đánh giá sự cố gắng của các cấp ủy đảng chính quyền trong phòng chống dịch bệnh lần thứ 4 này; ghi nhận của cử tri và Nhân dân về thành tựu của nhiệm kỳ 5 năm qua và kỳ vọng đối với nhiệm kỳ mới…Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo để bảo đảm chất lượng trình bày trong phiên họp toàn thể được phát thành hình trực tiếp tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Báo cáo và đánh giá cao Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Báo cáo đã tổng hợp các nhóm ý kiến khá toàn diện, sát với tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đây đều là những vấn đề lớn của xã hội, được nhân dân và cử tri quan tâm gửi đến Quốc hội. Bên cạnh các mặt được, dự thảo báo cáo cũng nêu lên nhiều vấn đề phải có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với 5 nhóm nội dung kiến nghị đề xuất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các nội dung này đều là những vấn đề hệ trọng, có nội dung liên quan đến đời sống của người dân cần phải triển khai ngay, có những vấn đề cần có lộ trình triển khai trong cả nhiệm kỳ, nhiều nội dung gắn với các vấn đề lớn sẽ được quyết định tại kỳ họp sắp tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, với tinh thần phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt là tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để  rà soát, đánh giá kỹ toàn diện các vấn đề được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, với tinh thần phản ánh trung thực, ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước để hoàn chỉnh báo cáo, đảm bảo thống nhất, phù hợp với các nội dung trong báo cáo về vấn đề kinh tế - xã hội sẽ được trình Quốc hội sắp tới. Đồng thời lưu ý tên gọi của báo cáo và thời lượng báo cáo trình bày trước Quốc hội./.

Bảo Yến