THẨM TRA SƠ BỘ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021: ĐÁNH GIÁ KỸ HƠN CÁC VẤN ĐỀ

15/06/2021

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 57, sáng 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2021.

Kịp thời ban hành nhiều biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và ổn định sản xuất kinh doanh

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng với tính chất phức tạp hơn đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị; một số địa phương có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế đã được hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hướng tới triển khai chiến lược vắc-xin, tạo miễn dịch cộng đồng, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; toàn thể Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ, đóng góp vào Quỹ vắc-xin.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, tuy nhiên đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo dư địa trong điều hành giá. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh; Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, có mức tăng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều giải pháp công nghệ đã được ứng dụng hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được thực hiện tốt; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước.

Cần có đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức, thị trường chứng khoán, bất động sản

Bên cạnh kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ Nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.

Đề nghị báo cáo đánh giá rõ hơn về sức cầu trong nước giai đoạn 2020-2021; tác động ảnh hưởng của tình hình tăng giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất; làm rõ tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; nguyên nhân giá thép tăng; chi phí vận tải đường biển, hàng không đối với một số ngành hàng tăng cao. Áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo.

Đề nghị đánh giá tác động của tăng chi ngân sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Đánh giá rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài; việc triển khai các hoạt động để thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI. Báo cáo rõ hơn về việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương; tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không đáp ứng được điều kiện vay vốn dù mặt bằng lãi suất được điều chỉnh giảm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ chất lượng tín dụng; nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của các ngân hàng; đồng thời báo cáo rõ kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và xu hướng trong thời gian tới. Bổ sung kết quả triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng đã mua bắt buộc và ngân hàng thương mại yếu kém.

Thời gian qua, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá về dòng vốn từ khu vực kinh tế phi chính thức cũng như dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và những rủi ro có thể xảy ra. Có ý kiến đề nghị phân tích kỹ hơn tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian vừa qua với lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý về hoạt động doanh nghiệp; đề nghị thống kê, cập nhật số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường theo ngành, lĩnh vực để từ đó hoạch định chính sách, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng; bổ sung đánh giá kết quả thực chất việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương…

Tình hình quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới; các đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đề nghị chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2021; tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm các vấn đề về lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.

Tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghiệp đang bị phong tỏa hoạt động trở lại.  

Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh, các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vắc-xin, bao gồm mua vắc-xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng hiệu quả.

Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung - cầu, ổn định giá các nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, đẩy giá.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vay vốn; hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi. Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại.

Khẩn trương, điều hành quyết liệt để hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. Rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (chi phí logistics, giá nguyên vật liệu), duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu, có chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã.

Xây dựng chính sách phù hợp nhất để tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Xây dựng các đề án triển khai mở rộng thị trường và khai thác các lợi thế, lợi ích từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA và các FTA khác. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật trên mạng điện tử.

Chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Có chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đội ngũ, nhân viên trong ngành y tế, các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật, bổ sung số liệu 6 tháng đầu năm khi báo cáo Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất, trên cơ sở đó bổ sung đánh giá, dự báo khả năng, mức độ thực hiện 12 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội./.

Bảo Yến

Các bài viết khác