Với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP), để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01, 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2020 và nhiều nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH; nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới. Kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính-NSNN, triệt để tiết kiệm NSNN. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.
Một số kết quả nổi bật trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2020:
Trong quản lý ngân sách nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu NSNN, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Do đó, kết quả thu NSNN đạt cao hơn (tăng 185 nghìn tỷ đồng) so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. Triệt để THTKCLP trong quản lý, điều hành, sử dụng NSNN (Ngân sách trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao); siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong giới hạn cho phép.
Trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước, các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung để bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của đơn vị, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và phòng, chống thất thoát, lãng phí... Năm 2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khung khổ pháp lý về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, góp phần quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Các giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.Công tác quản lý khoáng sản tiếp tục chuyển biến tích cực hơn; tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, tập trung triển khai công tác điều tra cơ bản, điều tra các giá trị địa chất. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường; chú trọng trồng rừng ven biển; đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng. Công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, ý thức xã hội về bảo vệ môi trường được nâng lên; hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có những chuyển biến tích cực. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giảm 06 đơn vị cấp huyện và 546 đơn vị cấp xã). Tinh giản biên chế tiếp tục đạt được những kết quả tích cực (năm 2020 đã thực hiện tinh giản biên chế 23.896 người). Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt; tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2020, cả nước đã thoái vốn được 2.506 tỷ đồng, thu về 5.967 tỷ đồng, cổ phần hóa được 09 DNNN, thu về 949 tỷ đồng, chuyển nộp vào NSNN để phục vụ đầu tư trung và dài hạn 16.700 tỷ đồng. Việc xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương tiếp tục có chuyển biến tích cực, theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn, đã đưa 03 dự án, doanh nghiệp khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN còn chậm; công tác quản trị tại nhiều doanh nghiệp chưa thực sự theo cơ chế thị trường; việc công bố thông tin còn mang tính hình thức, không đủ thông tin khách quan, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực về tính minh bạch của DNNN.
Cùng với đó công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020 cũng góp phần THTKCLP. Theo đó, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 héc ta (ha) đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.465 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 9.143 tỷ đồng, 148 ha đất; đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 12 vụ, 12 đối tượng. Tập trung thanh tra, kết luận một số vụ việc dư luận xã hội quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo của Chính phủ
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2020, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTKCLP; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2020 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Bên cạnh đó, kết quả THTKCLP trong từng lĩnh vực còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành chương trình THTKCLP năm 2020 và chậm báo cáo kết quả THTKCLP năm 2020 so với thời hạn quy định, thể hiện sự thiếu ý thức, trách nhiệm chưa cao trong chấp hành Luật THTKCLP; làm ảnh hưởng đến công tác tổng kết, đánh giá và kết quả THTKCLP chung của cả nước.
Năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trọng tâm chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới. Đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương đã tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; gắn với bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh./.