• Phiên họp thứ 9
  • Phó Chủ tịch Trần Quang Phương
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2020

    27/05/2021

    Chiều 27/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 56, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

     

    Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP), để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tóm tắt kết quả THTKCLP trong năm 2020

    Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2020 và nhiều nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH; nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới. Kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phối hợp hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính-NSNN, triệt để tiết kiệm NSNN. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

    Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,91%; thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, bất cập, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động tìm hướng đi mới trong xây dựng thể chế, chính sách, chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ... Nguyên nhân chủ yếu do một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự quyết liệt hành động; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và trong một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ còn chưa thực sự quyết liệt.

    Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTKCLP năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình THTKCLP được triển khai chủ động, kịp thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác THTKCLP. Hiệu quả sử dụng NSNN được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Công tác THTKCLP trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

    Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày báo cáo thẩm tra 

    Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác THTKCLP năm 2020 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng nêu rõ, vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTKCLP. Một số đơn vị đến tháng 4/2020, tháng 5/2020 mới ban hành Chương trình THTKCLP.

    Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81,2 nghìn tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm.

    Công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra. Hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công.

    Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài nguyên còn tồn tại. Vi phạm quản lý, sử dụng đất đai vẫn xảy ra dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Việc vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông, ven biển, hạn hán, xâm ngập mặn diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương; tình trạng ô nhiễm nước, không khí tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp vẫn chưa được cải thiện.

    Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Đến ngày 24/12/2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 DNNN chưa hoàn thành cổ phần hóa; một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp; hiệu quả đóng góp của DNNN thấp; nhiều địa phương, bộ ngành có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch.

    Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong THTKCLP năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo THTKCLP tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật THTKCLP chưa thực hiện hiệu quả; nhận thức việc thực hiện THTKCLP của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế,... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTKCLP.

    Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

    Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ tình hình thức trong lập Chương trình THTKCLP và việc báo cáo kết quả thực hiện. Nếu như Chính phủ lập Chương trình từ rất sớm ngay từ đầu năm nhưng có những đơn vị đến tháng 6/2020 mới ban hành, cá biệt có đơn vị đến tháng 9/2020 mới ban hành Chương trình THTKCLP cho năm 2020. Như vậy là rất hình thức. Cùng với đó một số báo cáo kết quả lại không có số liệu thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng điều này thể hiện kỷ luật báo cáo không nghiêm, Chính phủ cần nghiêm khắc phê bình các đơn vị chậm trễ trong lập Chương trình và báo cáo.

    Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị quan tâm đến lãng phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, tài nguyên nước; vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành lĩnh vực; vấn đề mua sắm công còn rất hạn chế trong công khai, minh bạch.

    Có cùng nhận định về tình hình thức trong việc lập chương trình và báo cáo kết quả THTKCLP, Tổng Thư ký Quốc hội hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp. Trong đó cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cơ sở về THTKCLP trong tất cả các hoạt động bởi khi có nhận thức đúng thì mới chuyển biến thành hành động. Hai là tiếp tục chỉ đạo rà soát chương trình THTKCLP, cần sớm xây dựng và ban hành chương trình THTKCLP ở từng ngành, từng địa phương, đơn vị, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nếu lập muộn thì Chương trình THTKCLP sẽ không còn ý nghĩa. Ba là tăng cường kiểm tra, giám sát để chỉ ra bất cập và có giải pháp khắc phục. Bốn là có chế tài cụ thể, xử lý vi phạm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tổng Thư ký Quốc hội hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh năm 2021 cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa THTKCLP tạo chuyển biển trong cả nước.

    Nhấn mạnh chủ trương THTKCLP là chủ trương lớn của Đảng đã được thể chế trong pháp luật, bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: THTKCLP là vấn đề rất lớn nhất là đối với điều kiện khó khăn của nước ta. Tuy nhiên, báo cáo thường niên về THTKCLP lại chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều chương trình, báo cáo THTKCLP còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất, chưa bám sát vào các nội dung của Luật và Chương trình THTKCLP của Chính phủ.

    Không phủ nhận những kết quả đã đạt được, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng báo cáo chưa chỉ rõ được những kết quả nổi bật, những tiến bộ của năm nay so với năm trước, chưa thấy rõ đâu là điển hình để vinh danh; cùng với đó các tồn tại, hạn chế còn chung chung, chưa rõ địa chỉ, còn nể nang, né tránh.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp 

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nào nên bám sát nội dung cốt lõi của Luật THTKCLP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình THTKCLP năm 2020, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính. Một là, tài chính, ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, tài chính công, tài sản công, doanh nghiệp có vốn nhà nước, năng suất lao động  của cán bộ, công chức. Hai là, tài nguyên đất đai khoáng sản, bảo vệ môi trường. Ba là, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, xã hội. Đồng thời cần nhìn thẳng vào thực tiễn cuộc sống, bám sát vào cuộc sống để tránh hình thức để từ đó có đánh giá thực chất, rõ ràng.

    Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành công tác THTKCLP đạt được nhiều kết quả tích cực và tiến bộ hơn năm 2019. Tuy nhiên công tác THTKCLP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo đã đề ra. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề: lưu ý rà soát kỹ, đối chiếu với Quyết định số 166 ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình THTKCLP năm 2020 để hoàn thiện bổ sung báo cáo của Chính phủ, báo có thẩm tra, chỉ rõ các bộ ngành, địa phương, các điển hình, mô hình kết quả nổi bật, thực hiện tốt nhất là các địa phương làm tốt công tác tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch hiệu quả cũng như chỉ rõ các địa phương thực hiện chưa tốt; các kết quả, số liệu thực hiện cụ thể; chú ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch, những ách tác có liên quan đến thủ tục đầu tư công dịch vụ công mua sắm công để đảm bảo thực hiện biện pháp phòng chống dịch; tăng cường kỷ luật tài chính...Xử lý nghiêm khắc các vi phạm và biểu dương các điển hình tốt trong công tác THTKCLP.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung hoàn chỉnh báo cáo gửi Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất; giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thứ; đồng thời bố trí thời gian thích hợp trong chương trình kỳ họp để thảo luận tại hội trường và tại tổ về nội dung này./.

    Bảo Yến - Bùi Hùng