Cử tri và Nhân dân tin tưởng Đại hội XIII của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước.
Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các thành viên của Mặt trận. Cụ thể:
Về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cử tri và Nhân dân phấn khởi trước sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng, Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Công tác chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIII của Đảng được thực hiện kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Nhân dân. Nhân sự bầu vào Trung ương là những đồng chí tiêu biểu của trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển của dân tộc ta.
Đối với công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đặc biệt là nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; mong muốn những đại biểu được bầu là những người tiêu biểu, có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước; cử tri và Nhân dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử; tạo điều kiện để Nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân, đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.
Toàn cảnh Phiên họp.
Nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phù hợp, hiệu quả khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, vừa khoanh vùng dập dịch vừa có các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của cả nước, đồng thời hết sức quan tâm chỉ đạo việc chủ động nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng COVID-19 trong nước cũng như nhập khẩu để tiêm phòng cho Nhân dân. Cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến sản xuất - kinh doanh và đời sống của Nhân dân, nhất là ở những nơi vùng dịch; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và khai báo y tế thiếu trung thực.
Về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng, góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt tại miền Trung; rét đậm, rét hại tại một số tỉnh miền núi phía Bắc; xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long nhưng sản xuất nông nghiệp đang trên đà phục hồi và là "Trụ đỡ" cho nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp có những khởi sắc khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở trong nước.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; ngành thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp; các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn; chất lượng dịch vụ và lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp vẫn còn thấp; liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo; cơ chế phân cấp quản lý, đầu tư được đẩy mạnh nhưng trong thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả, đòi hỏi tiếp tục có các giải pháp tích cực để khắc phục trong thời gian tới.
Cử tri và Nhân dân phấn khởi, hoan nghênh các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung các nguồn lực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong dịp Tết Tân sửu năm 2021, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân đón Tết; đặc biệt là quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, cử tri và Nhân dân đồng tình với những giải pháp dừng tổ chức các lễ hội đầu năm, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ngành giáo dục và các địa phương đã kịp thời chỉ đạo chuyển đổi việc dạy và học sang hình thức trực tuyến để đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, nhằm lôi kéo nhiều người xem để thu lợi; cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu, xuống cấp; chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra ở một số nơi.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả trong phòng, chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao...của ngành công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; các đường dây cá độ, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, làm hàng giả; tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em ở một số nơi còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.
Về đối ngoại, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực đối ngoại của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại Nhân dân đã được điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, góp phần củng cố môi trường hòa bình, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước.
Về hoạt động của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, cử tri, Nhân dân đánh giá cao hoạt động của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ Quốc hội 2016-2021. Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Quốc hội Khóa XIV còn thực hiện tốt công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại phiên họp cũng như công tác dân nguyện của Quốc hội đã dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri đánh giá cao. Sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế, đảm bảo an sinh - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, được cử tri và Nhân dân hoan nghênh và ủng hộ cao. Hoạt động của các cơ quan tư pháp có nhiều đổi mới. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hạn chế tối đa những sai sót trong hoạt động tư pháp.
Cử tri và Nhân dân mong muốn việc dự báo trong quy hoạch và xây dựng chính sách, pháp luật cần phải tiếp tục đổi mới; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn; tránh chồng chéo trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân cho rằng, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới tốt nghiệp; giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động; việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm có mặt còn một số hạn chế; đời sống văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chậm được cải thiện; một số công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu dân, hiệu quả làm việc thấp; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.
Cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị tới Quốc hội 5 nhóm vấn đề.
Báo cáo do ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày khẳng định, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, xử lý và giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại Kỳ họp thứ 10 và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Thứ ba, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cần đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém, bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; khắc phục một số tồn tại trong giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội; quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, Nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV để báo cáo với cử tri và Nhân dân cả nước./.