Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về tổng kết công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiệm kỳ XIV này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới chỉ đạo, điều hành việc chuẩn bị cho 11 kỳ họp, bảo đảm việc triệu tập, tổ chức thực hiện chương trình, tổng kết kỳ họp theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, lựa chọn phương án tổ chức 02 kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung và đã diễn ra rất thành công, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Về hoạt động lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện việc lập, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm nhanh chóng thể chế hóa các nghị quyết của Đảng; xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề quan trọng trước khi trình Quốc hội; yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, làm rõ, xác định đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Quốc hội; chỉ đạo sát sao, nghiêm túc việc tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tổ chức 06 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; chỉ đạo chuẩn bị phiếu, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số vấn đề lớn, quan trọng để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý. Nhờ đó, các dự án, dự thảo đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Đặc biệt đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm cụ thể hóa các quy định về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, trình Quốc hội ban hành các nghị quyết phê chuẩn hoặc quyết định gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng; kịp thời cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm thực hiện chính quyền đô thị tại 03 thành phố trực thuộc Trung ương nhằm thúc đẩy, đổi mới mô hình quản lý, phát triển kinh tế của các thành phố động lực.
Về việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, căn cứ Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời có định hướng, giải pháp và quyết định điều chỉnh Chương trình khi cần thiết; đã ban hành 02 pháp lệnh và 32 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, nội dung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó có Nghị quyết về việc thành lập và quy định quy vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cho ý kiến đối với 10 dự thảo nghị định của Chính phủ; quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền để Chính phủ có cơ sở xây dựng và ban hành các nghị định.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo.
Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập dự kiến chương trình giám sát để trình Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Các báo cáo của Chính phủ, báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước... và các báo cáo khác đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét toàn diện, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đưa ra những yêu cầu cụ thể để các cơ quan hoàn thiện, trình Quốc hội. Công tác chuẩn bị cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn ở Quốc hội được thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng trọng tâm; tiếp tục có sự đổi mới, linh hoạt để bảo đảm nâng cao chất lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuẩn bị để Quốc hội xem xét, chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ; cho ý kiến việc chuẩn bị, trình Quốc hội giám sát tối cao về 07 chuyên đề; chuẩn bị chặt chẽ các thủ tục để Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm đúng quy trình.
Đối với tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới. Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của Nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. Tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và mối quan hệ phối hợp công tác được chú trọng – những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định, bổ sung, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý được Quốc hội các khóa rút ra. Cụ thể: Quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam; quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước; mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình./.