Tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: Trong nhiệm kỳ, với sự quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, không ngừng đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.
Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán: Giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Ngay từ năm 2016, để triển khai thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Kết quả, đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ, trong đó đã xây dựng và ban hành mới hệ thống 39 Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước theo chuẩn quốc tế ISSAI phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán: Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai. Ngoài Kiểm toán Nhà nước hàng năm đã được phê duyệt theo Luật Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức không có trong Kiểm toán Nhà nước năm của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán. Việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong cả giai đoạn 2016-2021 được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.
Thực hiện Kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 353.730 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Phiên họp thứ 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là trên 237.570 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ: Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước, không đề nghị thành lập mới tổ chức cấp vụ theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất với chức năng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, khoa học gồm 32 đơn vị cấp vụ và tương đương.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được hoàn thiện cả về số lượng, cơ cấu, có năng lực, trình độ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức 02 kỳ thi tuyển dụng được 73 công chức trẻ, trình độ giỏi và thu hút được 22 công chức theo chế độ thu hút nhân tài tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ. Đến nay, biên chế công chức của Kiểm toán Nhà nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao ổn định từ năm 2013 là 1.974 công chức và 135 viên chức.
Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế: Trong nhiệm kỳ, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước không ngừng được mở rộng, tăng cường về chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả; vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước trong cộng đồng kiểm toán tối cao khu vực và thế giới ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong khuôn khổ ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Hà Nội, theo đó Kiểm toán Nhà nước là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021.
Về xây dựng cơ sở vật chất, truyền thông và nghiên cứu khoa học: Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực của ngành, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của KTNN đã phát triển không ngừng, từng bước hiện đại; hoạt động truyền thông ngày càng chuyên nghiệp; công tác nghiên cứu khoa học luôn gắn kết với hoạt động thực tiễn. Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng được trụ sở chính tại Hà Nội khang trang, hiện đại, 12/13 Kiểm toán Nhà nước khu vực đã có trụ sở làm việc.
Về phát triển công nghệ thông tin: Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã xác định ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán là rất quan trọng, vừa mang tính đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước vừa là xu thế thời đại, là cơ hội của Kiểm toán Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc và gắn trách nhiệm của các cấp, các đơn vị, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Từ năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ kiểm toán, đến nay đã số hóa được hơn 7 triệu trang tài liệu các loại để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm toán.
Về xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030: Ngày 16/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030. Việc Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước được ban hành không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Kiểm toán Nhà nước hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới
Trong nhiệm kỳ tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán Nhà nước tương xứng với vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán: Nâng cao năng lực kiểm toán đối với quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán hàng năm khoa học và chặt chẽ, chú trọng kết hợp, lồng ghép các cuộc kiểm toán, điều hành hoạt động kiểm toán theo hướng linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán; tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế và công nghệ thông tin hiện đại dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tạo động lực đột phá nâng cao hiệu quả kiểm toán.
Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực Kiểm toán Nhà nước theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030: Xây dựng bộ máy tham mưu hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; duy trì ổn định hoạt động các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực; xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc nâng cấp Ban Tài chính hiện nay đang trực thuộc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán; phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý; trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung biên chế phù hợp với Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Mở rộng hợp tác quốc tế cả chiều rộng và chiều sâu: Duy trì và tối ưu hóa lợi ích các mối quan hệ hợp tác song phương hiện có, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác song phương mới; đẩy mạnh triển khai, rà soát đánh giá việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế, hướng tới ký kết các thỏa thuận hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực cho các lĩnh vực ưu tiên của Kiểm toán Nhà nước.
Phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Kiểm toán Nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông: Bám sát Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, tập trung đầu tư, cải tạo trụ sở làm việc đáp ứng được nhu cầu hạ tầng trong tương lai để tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ số, thích ứng với sự thay đổi của phương pháp kiểm toán mới, hiện đại; phát triển Báo Kiểm toán theo hướng hiện đại, chất lượng, hiệu quả, xứng tầm là cơ quan ngôn luận của Kiểm toán Nhà nước.
Phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình chuyển đổi số của Kiểm toán Nhà nước; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây, hình thành Trung tâm điều hành xử lý tập trung đa nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; xây dựng kho dữ liệu tập trung, đồng bộ, thống nhất, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán để tạo lập hệ thống dữ liệu lớn và kho tri thức ngành kiểm toán.
Đề xuất và kiến nghị
Để tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Kiểm toán Nhà nước trân trọng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề sau: Thứ nhất, quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện các văn bản pháp lý đảm bảo cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp.
Thứ hai, chỉ đạo các cơ quan có liên quan tạo điều kiện, phối hợp tốt với Kiểm toán Nhà nước trong việc triển khai nhanh và có hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Thứ ba, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.
Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao năng lực của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; bổ sung biên chế cho Kiểm toán Nhà nước theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030. Với báo cáo tóm tắt những kết quả công tác nổi bật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội xem xét./.