Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp của Thành phố Hồ Chí Minh như trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Quá trình chuẩn bị Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 653 và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.
Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Ủy ban Pháp luật tán thành phương án sắp xếp 19 ĐVHC cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh để hình thành 09 ĐVHC cấp xã mới. Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 3,22%), từ 322 đơn vị xuống còn 312 đơn vị.
- Tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải trình kỹ hơn về tên gọi của phường An Khánh (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Bình An với phường Bình Khánh để tránh gây nhầm lẫn trong giao dịch hàng ngày của người dân; lý giải thuyết phục hơn “những yếu tố đặc thù mà không thể nhập thêm ĐVHC khác liền kề” đối với một số đơn vị hành chính sau sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền Thành phố có giải pháp, biện pháp phù hợp để làm tốt công tác quy hoạch, quản lý dân cư, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn một số phường sau sắp xếp có mật độ dân số lớn như phường An Khánh (Quận 2), phường 2 (Quận 10),...
Những nội dung trên đây đã được Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo bằng văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Ủy ban Pháp luật thống nhất với nội dung giải trình của Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Về việc sắp xếp các ĐVHC để thành lập thành phố Thủ Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức: Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 03 đơn vị hành chính cấp huyện (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, giảm 02 đơn vị hành chính cấp huyện) nhằm thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Thành phố Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế phía Nam phát triển. Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 110), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 2) và mới đây nhất là Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 03 đơn vị hành chính cấp huyện như đề nghị của Chính phủ là thực sự cần thiết, bảo đảm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thành phố Thủ Đức, theo Tờ trình của Chính phủ, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 5 của Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức đã đạt 5/5 tiêu chuẩn và đáp ứng 4/5 điều kiện theo quy định. Riêng điều kiện về sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt của khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tại Báo cáo số 604/BC-CP ngày 25/11/2020, Chính phủ đã khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đồng thời với việc lập quy hoạch đô thị sáng tạo phía Đông là thành phố Thủ Đức. Theo đó, quy hoạch thành phố Thủ Đức sẽ gắn trong quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022)”.
Toàn cảnh phiên họp.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập: để có cơ sở xây dựng, phát triển thành phố Thủ Đức theo định hướng đô thị sáng tạo, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: (1) Khẩn trương nghiên cứu, lập Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức để tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị trên địa bàn; (2) Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện kéo dài đối với những vấn đề còn tồn đọng như quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư,...; (3) Có giải pháp huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức trong thời gian tới; (4) Kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức; đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để có thể đảm đương được các công việc của chính quyền đô thị thông minh,...
Với các nội dung đã trình bày nêu trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị, đề xuất một số nội dung:
Thứ nhất, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ, đề nghị của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao về việc thành lập TAND, VKSND thành phố Thủ Đức và ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Do đây thuộc trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính và để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật tán thành Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, bảo đảm trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của thành phố Thủ Đức mới được thành lập.
Thứ hai, theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang là các địa phương cuối cùng thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 653. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí của đơn vị hành chính và phân loại đô thị trong Nghị quyết số 1210, Nghị quyết số 1211 và các nghị định, văn bản có liên quan để kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn sau.
Thứ ba, do việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Thành phố Hồ Chí Minh được tiến hành sau thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp, đề nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị ở những ĐVHC thực hiện sắp xếp để bảo đảm sớm ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn, đặc biệt là công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới./.