Quản lý người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia
Điều 40, Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) về cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã quy định: Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ quy định chi tiết việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc; chế độ cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi, từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện bắt buộc.
Phiên họp thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Thảo luận về quy định này, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, trẻ em, đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện công lập để cai nghiện bắt buộc ngay trong dự thảo Luật. Ngoài ra, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, việc giao Chính phủ quy định sẽ không bảo đảm tính thống nhất với quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện bắt buộc tại Khoản 6 Điều 40 của dự thảo Luật.
Đối với thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện bắt buộc, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, quy định như luật hiện hành là giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định là không phù hợp. Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với Dự thảo Chính phủ trình, theo đó sửa đổi theo hướng giao Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định là phù hợp vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quy định như vậy chặt chẽ hơn, đảm bảo tính pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý vào Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Một số ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy. Bởi hiện nay đang có khoảng trống pháp luật về nội dung này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu thực tế, khi đưa trẻ em thiếu niên từ 12-18 tuổi vào trại cai nghiện bắt buộc phải được sự đồng ý của gia đình. Nếu gia đình không đồng ý thì sử dụng biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên cũng cần đảm bảo tính pháp lý, đề phòng trong trường hợp xảy ra sự cố tại trại cai nghiện sẽ có căn cứ pháp lý để xử lý.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, vì liên quan đến quyền con người, Luật trẻ em và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Phó Chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần giải trình rõ hơn vấn đề này, trong đó Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát chặt chẽ các quy định hiện hành, đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế.
Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.
Tại điều 12, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Công an nhân dân. Trong đó, Công an nhân dân có trách nhiệm chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, khi thảo luận về nội dung này, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định trong Luật hiện hành. Cụ thể: cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chăn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.
Một số ý kiến cũng đề xuất, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau để thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên trách nhiệm “phối hợp” với các cơ quan hữu quan của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân như quy định trong Luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, thời gian qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công tác phối hợp được đẩy mạnh để triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp phát hiện, bắt giữ, thu giữ nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Tuy nhiên, để công tác phối hợp này tốt hơn thì trong lần sửa đổi này cũng cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện, cơ quan phối hợp thực hiện, tránh việc quy định chung chung thì hiệu quả phối hợp không cao.
Với vai trò là cơ quan tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bội đội Biên Phòng cho biết, thời gian qua các đơn vị chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an đấu tranh và phát hiện rất nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ ma túy. Tuy nhiên, tại Điều 12 của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chỉ nêu chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công an mà chưa nêu trách nhiệm của các lực lượng khác như hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Viện kiểm sát, Tòa án và chính quyền các cấp. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung nhằm tạo điều kiện cho công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý, sửa đổi nhằm tránh sự mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để phát huy tốt hiệu quả công việc, đặc biệt là quyền hạn của cơ quan chủ trì, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy./.