Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội. Tuy nhiên do dự án Luật này chưa có trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội. Do đó, cần bảo đảm quy trình thủ tục theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nội dung xây dựng lực lượng và các điều kiện đảm bảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngay trong luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng, bố trí lực lượng này phải xuất phát từ thực tế tình hình an ninh, trật tự của từng địa phương. Việc tuyển chọn, xây dựng lực lượng này cần phải phát huy tối đa tính tự xây dựng, tự quản của nhân dân, công an chỉ nên hướng dẫn về nghiệp vụ, làm rõ thêm về việc kiêm nhiệm, tuổi tối thiểu, tối đa tham gia lực lượng, cần có những quy định khung tối thiểu, tối đa, định biên để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm rõ,việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Trình bày thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhất là sau khi Bộ Công an triển khai thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và theo quy định của Luật Công an nhân dân.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến làm rõ cần phải có luật này để tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đây để tránh lãng phí, đồng thời đối với lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng thực tế đang tồn tại cũng có chế độ, chính sách. Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách đều là những lực lượng đã tồn tại, đã được duy trì lâu nay, đã có vị trí nhất định trong việc tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện nay ở các địa bàn cơ sở cũng đang tồn tại rất nhiều mô hình tự quản cũng tham gia vào hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hay Hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh, trật tự, tổ công nhân tự quản, v.v.. Gần đây Mặt trận đang xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư và tổ dân phố được Ban Bí thư giao và trong đó cũng có một số mô hình do chính quyền địa phương thành lập và cũng thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng khá tương đồng với những lực lượng được dự kiến ở trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng hiện nay có một số nơi lập tổ tự quản nên có thể xem xét thí điểm thực hiện để rút kinh nghiệm trong tổ chức và có cái nhìn tổng thể của một địa bàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một lực lượng quần chúng tự nguyện, về bản chất là một mô hình tự quản của quần chúng ở cơ sở. Do đó, phải nắm chắc và bám sát tinh thần lực lượng quần chúng tự nguyện, thực hiện tự quản quần chúng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; phải làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này tham gia phối hợp với lực lượng công an.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu giao cho công an xã chính quy chủ trì quản lý địa bàn với những công việc chuyên môn từ tin tố giác tội phạm, tin báo thì cần phải có quy định rõ thêm trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan tại địa phương.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngay trong luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng, bố trí lực lượng này phải xuất phát từ thực tế tình hình an ninh, trật tự của từng địa phương. Việc tuyển chọn, xây dựng lực lượng này cần phải phát huy tối đa tính tự xây dựng, tự quản của nhân dân, công an chỉ nên hướng dẫn về nghiệp vụ, làm rõ thêm về việc kiêm nhiệm, tuổi tối thiểu, tối đa tham gia lực lượng, cần có những quy định khung tối thiểu, tối đa, định biên để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 10 theo đúng quy trình./.