Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 05 chương, 35 điều quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, dự thảo Luật xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia phối hợp, hỗ trợ Công an chính quy trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã; tham gia xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cần tổng kết đánh giá hoạt động các lực lượng, mô hình tự quản tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội. Tuy nhiên do dự án Luật này chưa có trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội. Do đó, cần bảo đảm quy trình thủ tục theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến làm rõ cần phải có luật này để tiếp tục sử dụng lực lượng công an xã bán chuyên trách trước đây để tránh lãng phí, đồng thời đối với lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng thực tế đang tồn tại cũng có chế độ, chính sách. Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách đều là những lực lượng đã tồn tại, đã được duy trì lâu nay, đã có vị trí nhất định trong việc tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hiện nay thì lực lượng công an chính quy đã được kiện toàn ở 4 cấp, nếu luật hóa được lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở này, trong đó có dân phòng và công an xã bán chuyên trách là một bước rất quan trọng góp phần vào việc hoàn thiện những lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện nay ở các địa bàn cơ sở cũng đang tồn tại rất nhiều mô hình tự quản cũng tham gia vào hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hay Hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh, trật tự, tổ công nhân tự quản, v.v.. Gần đây Mặt trận đang xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư và tổ dân phố được Ban Bí thư giao và trong đó cũng có một số mô hình do chính quyền địa phương thành lập và cũng thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng khá tương đồng với những lực lượng được dự kiến ở trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng những mô hình tự quản và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự như trên cần được tổng kết, đánh giá chung khi xây dựng dự án Luật này để có đề xuất giải pháp mang tính tổng thể để bố trí lại lực lượng theo hướng đảm bảo tinh gọn, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và cũng đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần tổng kết, đánh giá chung hoạt động các mô hình tự quản và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi xây dựng luật này
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đặt vấn đề: Nếu ban hành luật này với 3 lực lượng chính tham gia là công an xã bán chuyên trách, đội bảo vệ trật tự và dân phòng thì những mô hình tự quản khác có tiếp tục duy trì hay không và nếu duy trì thì chế độ pháp lý như thế nào? Mối quan hệ của những mô hình tự quản này với những lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an toàn ở cơ sở được điều chỉnh trong Luật là vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng hiện nay có một số nơi lập tổ tự quản nên có thể xem xét thí điểm thực hiện để rút kinh nghiệm trong tổ chức và có cái nhìn tổng thể của một địa bàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng nội dung của dự án luật liên quan tới nhiều văn bản luật quy định về bảo vệ an ninh, trật tự, tổ chức bộ máy, quy định về chế độ, chính sách, kinh phí, tài chính, v.v.. Do đó cần phải rà soát kỹ, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định, đặc biệt là thống nhất với Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quốc phòng, Luật Lực lượng dự bị động viên, các quy định về ngân sách, bảo hiểm.
Làm rõ tính chất công việc tham gia phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của lực lượng quần chúng tự nguyện
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về nhiệm vụ của Công an xã và các quy định liên quan đến bảo vệ dân phố, dân phòng. Nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Do đó cần rà soát kỹ để đảm bảo các nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia, chỉ hỗ trợ công an chính quy, không làm thay cho công an chính quy và chính quyền.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một lực lượng quần chúng tự nguyện, về bản chất là một mô hình tự quản của quần chúng ở cơ sở. Do đó, phải nắm chắc và bám sát tinh thần lực lượng quần chúng tự nguyện, thực hiện tự quản quần chúng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; phải làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này tham gia phối hợp với lực lượng công an. Lực lượng này là phối hợp với lực lượng công an, chứ không phải chịu trách nhiệm chính. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh lực lượng này sẽ hỗ trợ cho lực lượng công an chính quy để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật hay gây rối, làm mất trật tự an ninh, an toàn ở cơ sở trong điều kiện đã chính quy hóa lực lượng công an ở xã.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý một số vấn đề của dự thảo Luật
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo luật này đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này, thực chất các quy định này lại là nhiệm vụ của công an xã. Do đó, khi thành lập lực lượng này phải xác định rõ hơn tính chất phối hợp, hỗ trợ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cùng là các nhiệm vụ đó nhưng là tính chất phối hợp, hỗ trợ. Một mặt để không chồng lấn làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an. Mặt khác phải xác định rõ hơn phạm vi, mức độ, phương thức mà lực lượng này tham gia phối hợp, hỗ trợ với công an chính quy xã trong việc thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là một cơ quan tự quản, tự nguyện của quần chúng để nâng cao hiệu quả của việc phối hợp, hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, nếu giao cho công an xã chính quy chủ trì quản lý địa bàn với những công việc chuyên môn từ tin tố giác tội phạm, tin báo thì cần phải có quy định rõ thêm trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan tại địa phương.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nội dung xây dựng lực lượng và các điều kiện đảm bảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngay trong luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng, bố trí lực lượng này phải xuất phát từ thực tế tình hình an ninh, trật tự của từng địa phương. Việc tuyển chọn, xây dựng lực lượng này cần phải phát huy tối đa tính tự xây dựng, tự quản của nhân dân, công an chỉ nên hướng dẫn về nghiệp vụ, làm rõ thêm về việc kiêm nhiệm, tuổi tối thiểu, tối đa tham gia lực lượng, cần có những quy định khung tối thiểu, tối đa, định biên để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Phân định được chức năng, nhiệm vụ tuyển chọn so với các lực lượng khác như dân quân tự vệ, dự bị động viên. Rà soát lại các quy định về hỗ trợ, bồi dưỡng kinh phí, cơ sở vật chất để đảm bảo có tính khả thi, phù hợp với tính chất tự nguyện, không thường xuyên của lực lượng này. Việc quy định về xây dựng trụ sở, mua sắm trang phục, phù hiệu, biển hiệu cũng cần phải được tính toán thật kỹ, không chính quy hóa các lực lượng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát kỹ các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; làm rõ được vai trò lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của ngành công an và phối hợp các ngành trong việc hỗ trợ quản lý, hướng dẫn, bồi dưỡng lực lượng này.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy hồ sơ, dự án luật đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng được quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã được thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và báo cáo đánh giá tác động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung phiên họp
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo chú ý việc hình thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải đặt trong điều kiện, tình hình mới, có nghiên cứu đặc thù của từng địa bàn nông thôn, miền núi, đô thị, hải đảo. Việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở phải gắn với xu thế, hướng phát triển khoa học công nghệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, lực lượng này không đơn giản chỉ là phép cộng cơ học giữa 3 bộ phận: bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, mà cần phải có sự rà soát, quy định mang tính tổng thể. Làm rõ khi Luật được ban hành thì có duy trì các mô hình tự quản khác trong bảo vệ an ninh, trật tự hay không. Khi lực lượng này ra đời thì phong trào tự quản, vai trò của người dân trong bảo vệ an ninh, trật tự sẽ như thế nào.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý nguyên tắc cơ bản có tính chỉ đạo khi xây dựng dự án luật này là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện và tham gia phối hợp. Do đó, các nội dung của luật phải bám sát mục đích, phạm vi ban hành luật, không nên tạo ra một lực lượng mới làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an và của chính quyền địa phương.
Với tính chất, nội dung quan trọng của dự án luật, cùng với đặc thù kỳ họp cuối nhiệm kỳ, thời gian vật chất không còn nhiều, do đó để đảm bảo có tính chặt chẽ và chất lượng của luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật này và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Trong quá trình xây dựng các nội dung quan trọng sẽ phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền để đảm bảo chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 10 theo đúng quy trình./.