ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE TỜ TRÌNH, BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

11/08/2020

Tiếp tục phiên họp 47, chiều ngày 11/8/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Dự phiên họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Mở đầu phiên họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Tờ trình nêu rõ, sau 14 năm thực thi chính sách pháp luật Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV phát hiện mới, số tử vong do AIDS giảm liên tục. Tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm mạnh. Tuy nhiên tình hình nhiễm HIV do lây truyền qua đường tình dục vẫn còn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, đặc biệt tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng nhanh.

Trong Tờ trình của Chính phủ cũng nêu lên những tồn tại, bất cập của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần được khắc phục kịp thời. Trong đó có bất cập liên quan đến đối tượng liên quan đến thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin về người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.

Theo quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2016, chỉ những người trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV. Điều này làm phát sinh một số khó khăn, bất cập như nhiều người biết mình nhiễm HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác do không tiếp cận được thông tin người nhiễm, không xác định được đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao… gây khó khăn cho quá trình thực hiện các quy định về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Tờ trình cũng nêu rõ sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật như Luật Khám bệnh chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm… Hơn nữa, một số quy định của pháp luật về phòng chống HIV/AIDS không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Quy định người dưới 16 tuổi thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hiện không phù hợp với thực tiễn và hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV.

Các quy định về chỉ định cơ sở xét nghiệm HIV được Bộ trưởng Bộ Y tế công nhận mới được phép quản lý các trường hợp HIV dương tính không còn phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, phân cấp và gây tốn kém kinh phí cho cơ sở y tế địa phương.

Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí nhưng nhà nước lại không đảm bảo nguồn lực, nên quy định này cũng chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế, gây khó khăn khi thanh toán bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.

Quy định tại Điều 42 về áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính đối với người bị AIDS giai đoạn cuối không còn phù hợp với thực tế diễn biến bệnh trong điều trị và tiến bộ kỹ thuật của y tế hiện nay.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy và Luật Phòng chống HIV/AIDS đang có sự mâu thuẫn về quy định người nghiện ma túy tham gia vào điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện và các chất thay thế theo quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS vẫn có thể đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị cho người nghiện ma túy.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định những bất cập, tồn tại nêu trên cần sớm được sửa đổi, bổ sung, nâng cao hiệu quả thực hiện luật. Trong thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung luật là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo thể chế hóa kịp thời đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng chống HIV/AIDS, thực hiện được mục tiêu đên năm 2030 Việt Nam cơ bản chấm dứt bệnh AIDS theo Nghị quyết 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Sửa đổi 3 điều, bổ sung 14 điều và bãi bỏ 1 điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Dự thảo sửa đổi 3 điều, bổ sung 14 điều và bãi bỏ 1 điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật là cần thiết nhằm thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu “cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và giải pháp “tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…”.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, tập trung chủ yếu vào các quy định về: mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Về tính hợp hiến, dự án Luật cơ bản phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 và góp phần cụ thể hóa Điều 38 của Hiến pháp 2013, đó là “mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Tuy nhiên, một số quy định của dự án Luật có liên quan đến quyền bảo vệ bí mật cá nhân, nguyên tắc bảo đảm, hạn chế quyền con người, đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, sửa đổi.

Về tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (sửa đổi, bổ sung Điều 30), dự thảo Luật bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Qua thảo luận, còn có ý kiến khác nhau về nội dung này: Loại ý kiến thứ nhất: nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin và nên sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc, theo đó các chủ thể được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV có trách nhiệm giữ bí mật thông tin người nhiễm HIV, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận thấy có một số nhóm đối tượng có thể tiếp cận hoặc biết được thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người khác khi thực hiện chức trách công vụ (ví dụ; trong quá trình lập danh sách người cần hỗ trợ mua bảo hiểm y tế; để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, có những đối tượng được phép tiếp cận với hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân, trong đó có thể có thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh. Dự án Luật cần tiếp cận vấn đề này một cách bao quát hơn để quy định phù hợp và bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung theo hướng không chỉ chủ thể mà còn theo các trường hợp cụ thể để không làm phát sinh các hệ lụy pháp lý bất lợi cho các chủ thể liên quan.

Đối với nội dung can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV (sửa đổi, bổ sung Điều 21), Dự án Luật đã sửa đổi theo hướng cụ thể hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc bổ sung biện pháp “dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” - đây được coi là biện pháp kỹ thuật mới rất hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Tuy nhiên, về quy định không áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (khoản 3, Điều 21), qua thảo luận, Thường trực Ủy ban thấy rằng: Việc không áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trừ những trường hợp bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: một số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật, nhưng có ý kiến băn khoăn về quy định này vì có thể bị người nghiện ma túy lạm dụng để không bị đi cai nghiện bắt buộc, nhất là trong tình trạng quản lý điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thiếu chặt chẽ.

Đối với quy định nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, Thườn trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 43 về nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS góp phần thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW: Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh hiện nay, khi có một loạt thách thức về tài chính đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS, thì việc huy động các nguồn lực trong nước là rất cần thiết để duy trì các thành quả hiện có cũng như mở rộng các dịch vụ chăm sóc điều trị, dự phòng HIV và các dịch vụ liên quan khác.

Thường trực Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để giúp tăng nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và tăng sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, một số quy định về nguồn lực thực hiện chính sách trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, không đảm bảo tính khả thi của chính sách. Đó là các quy định về trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 12), thực hiện biện pháp can thiệp giảm hại (Điều 21), về điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV (Điều 36), tiếp cận thuốc kháng HIV (Điều 39); đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và có quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ, ngành và ngân sách đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách…/.

Lan Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác